Các ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

06:09, 26/09/2022
(LĐ online) - Thực hiện Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4, ngày 26/9, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có văn bản để triển khai công tác ứng phó.
 
Một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng bị ngập cục bộ khoảng 1 giờ trong cơn mưa lớn ngày 1/9
Một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng bị ngập cục bộ khoảng 1 giờ trong cơn mưa lớn ngày 1/9
 
UBND TP Đà Lạt có văn bản hoả tốc yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của UBND tỉnh.
 
Theo đó, để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với bão số 4, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, UBND TP Đà Lạt yêu cầu các phòng ban, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố, UBND các phường, xã khẩn trương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, phân công lãnh đạo và cán bộ công chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa bão để nắm bắt kịp thời tìhh hình; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị vật tư để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản của người dân (đặc biệt không để xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do sạt lở đất, cây ngã đổ); xử lý hoặc báo cáo lãnh đạo UBND TP Đà Lạt kịp thời chỉ đạo xử lý, ứng phó có hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra trên địa bàn.
 
UBND các phường, xã khẩn trương tăng cường công tác thông tin, kịp thời cảnh báo nhanh chóng đến tận thôn, tổ dân phố để nhân dân chủ động phòng, tránh và ứng phó với các hiện tượng mưa bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lốc xoáy... do ảnh hưởng của bão số 4 có thể xảy ra. Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
 
Khẩn trương kiểm tra, rà soát các taluy có nguy cơ sạt lở trên địa bàn; các công trình nhà ở, nhà kính, nhà lưới, công trình phụ trợ trên đất sản xuất nông nghiệp dưới các mái taluy không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân; tiếp tục tổ chức nạo vét, phát quang các tuyến suối, kênh mương trên địa bàn để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập cục bộ do mưa, bão, lũ…
 
UBND TP Đà Lạt cũng giao các phòng, ban, đơn vị chủ rừng tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chặt hạ, tỉa cành, nhánh cây đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép; lập phương án bảo đảm an toàn hệ thống hồ chứa; đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; tham mưu, đề xuất cho học sinh ở những địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng (nếu có) do cơn bão số 4 gây ra được nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn…
 
UBND huyện Di Linh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với thiên tai (nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hoa màu, tài sản và bảo vệ an toàn tính mạng của Nhân dân trước cơn bão số 4.
 
UBND các xã, thị trấn Di Linh đã kiểm tra toàn bộ các khu vực dân cư, trụ sở, nơi làm việc của các đơn vị, nhà dân nằm ở các khu vực sườn đồi núi, khu vực trũng thấp, ven suối, hạ lưu các hồ đập… có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai và có biện pháp cảnh báo nhân dân phòng tránh, kịp thời di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Các địa phương xác định rõ việc phải kiên quyết di dời người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
 
Hiện, các địa phương trong huyện cũng đã sẵn sàng nhân lực, vật lực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và bố trí lực lượng sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo kịp thời tiếp cận, ứng cứu, khắc phục khi có sự cố, tình huống xảy ra. Các Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã được kích hoạt - đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống, khắc phục thiên tai tại địa phương.
 
Ngoài việc tổ chức trực thường xuyên các địa phương cũng đã đặt biển cảnh báo, bố trí canh gác, hướng dẫn người, phương tiện qua lại các ngầm, tràn, đoạn đường, bến đò ngang và các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.  
 
UBND huyện Di Linh cũng đã yêu cầu các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống công trình kênh, mương, hồ chứa thủy lợi; theo dõi tình hình mưa lũ để vận hành hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa. Chủ đầu tư các dự án thủy lợi tổ chức kiểm tra các dự án thủy lợi đang thi công dở dang để chủ động ứng phó; tuyệt đối đảm bảo an toàn công trình trong thời gian bão diễn ra.
 
Các công ty thủy điện vận hành các hồ thủy điện đảm bảo theo đúng quy định, quy trình vận hành; có phương án xả lũ hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; thông tin cảnh báo kịp thời cho người dân biết, chủ động ứng phó, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp, tuyệt đối không xả lũ vào ban đêm.
 
Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Giám đốc các đơn vị y tế trong toàn ngành chủ động triển khai công tác y tế ứng phó với bão Noru.
 
Thực hiện Công điện số 1260/CĐ-BYT ngày 25/9/2022 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác y tế ứng phó với bão Noru và Công văn số 1853-CV/TU ngày 25/9/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc tăng cường phòng, chống bão Noru, Sở Y tế đề nghị Giám đốc các đơn vị y tế trong toàn ngành triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động công tác phòng, chống; rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng chống dịch Covid-19, phòng chống sốt xuất huyết vừa đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn.
 
Triển khai công tác bảo vệ nhà cửa, công trình, bảo vệ các cơ sở y tế; thực hiện chặt hạ, tỉa cành, mé nhánh những cây xanh có nguy cơ ngã đổ trong đơn vị… để đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra.
 
Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở dất; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.
 
Các đơn vị y tế tuyến tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho Nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
 
Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…), các cơ sở y tế cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sơ tán người dân và kiểm tra các điểm tránh trú an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại các điểm sơ tán, nơi tập trung đông người phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. 
 
Khi có sự cố bất thường về mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra, phải chỉ đạo, huy động các lực lượng hỗ trợ, ứng cứu kịp thời và báo cáo ngay về Sở Y tế tỉnh.
 
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.
 
Triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
 
C.PHONG - NGỌC NGÀ - AN NHIÊN