Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được huyện Cát Tiên chú trọng thực hiện.
|
Lực lượng kiểm lâm trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ rừng để già Điểu K’Lộc thông tin, tuyên truyền đến bà con. |
Huyện Cát Tiên có 25,03% dân số là người đồng bào DTTS. Bà con các DTTS sống tập trung ở 29 thôn, buôn thuộc 8 xã, thị trấn thuộc huyện. Xác định phát triển vùng đồng bào DTTS nói chung và công tác PBGDPL nói riêng là một trong những nhiệm vụ mang tính quyết định cho sự phát triển của địa phương. Bởi vậy, trong những năm qua, huyện Cát Tiên thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác này như: Hội đồng PBGDPL, Hội đồng tư vấn pháp luật, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở. Đội ngũ làm công tác PBGDPL đã được bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ chuyên môn nên chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng cao.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Cát Tiên, đến nay, tất cả 59 thôn, bản, tổ dân phố của huyện đều có tổ hoà giải với 365 hoà giải viên. Trong đó có 68 người DTTS. Toàn huyện hiện có 124 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đa phần đội ngũ này đều biết tiếng DTTS.
Thực hiện chính sách đối với đội ngũ làm công tác PBGDPL là người DTTS, người biết tiếng DTTS, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc, hàng năm huyện Cát Tiên đều tổ chức gặp gỡ đội ngũ này để thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về phát triển vùng đồng bào DTTS. Thông qua đội ngũ các chức sắc, già làng, người có uy tín… để đưa các nội dung trên đến gần hơn với bà con. Huyện Cát Tiên cũng thường xuyên mở các lớp học tiếng DTTS cho đội ngũ cán bộ nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS.
Trong những năm qua, công tác PBGDPL của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, người biết tiếng DTTS, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc được thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2018 - 2022, các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Cát Tiên đã thường xuyên tổ chức các hội nghị triển khai phổ biến pháp luật cho 336 lượt cán bộ, Nhân dân vùng đồng bào DTTS nhất là hai xã Đồng Nai Thượng và Phước Cát 2; tổ chức tuyên truyền cho 280 lượt chức sắc, già làng, người có uy tín… thực hiện các hoạt động tuyên truyền theo chuyên đề trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời phối hợp với Hội Luật gia huyện, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lâm Đồng thực hiện phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động cho các đối tượng hộ nghèo, người đồng bào DTTS trên địa bàn các xã Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, Nam Ninh…
Công tác hoà giải ở cơ sở trong những năm qua cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hoà giải thành công của các năm tương đối cao. Cụ thể, năm 2019 tỷ lệ hoà giải thành công chiếm 88,75%, năm 2020 đạt 85,93%, năm 2021 đạt 90,58% và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 90,63%.
Già làng Điểu K’Lộc (thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng), chia sẻ: “Sinh ra, lớn lên và gắn bó với bà con nên mình biết từng nóc nhà, hiểu từng con người ở trong thôn, buôn. Bởi vậy khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật, chăm lo phát triển kinh tế, những người già như mình đều rất sẵn sàng. Mình nói với bà con bằng tiếng của dân tộc mình bà con nghe nhiều và hiểu nhiều hơn”.
Theo đánh giá của UBND huyện Cát Tiên, trong những năm qua, vai trò, trách nhiệm, tầm ảnh hưởng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, người biết tiếng DTTS, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS đối với công tác PBGDPL ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Nhờ vậy, nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của bà con người đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Các vụ việc vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào DTTS giảm, nhất là tình trạng lấn chiếm đất rừng đã không còn xảy ra, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự và thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, người biết tiếng DTTS, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc còn hạn chế về kỹ năng tuyên truyền, vận động, am hiểu pháp luật chưa thực sự cao nên công tác PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS cũng vì thế mà có lúc, có nơi chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, chế độ chính sách, kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL và đội ngũ người làm công tác này còn hạn chế nên dẫn đến nhiều người không thực sự mặn mà tham gia...
Hiện nay, huyện Cát Tiên đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách ưu tiên sử dụng người DTTS, người biết tiếng DTTS, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác giáo dục, đào tạo tiếp tục được huyện Cát Tiên thực hiện. Các nhiệm vụ tuyên truyền, vận động PBGDPL tiếp tục được địa phương này triển khai đa dạng và sâu rộng trong các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
D. THƯƠNG - N. NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin