''Đòn bẩy'' hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

12:09, 01/09/2022
Qua 5 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2021, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tích cực, chủ động, huy động các nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp. Đây là “đòn bẩy” giúp phụ nữ có cơ hội để phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, từng bước nâng cao vị thế trong xã hội hiện nay.
 
Nhiều dự án/ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ đã phát triển, tạo được công ăn việc làm cho hội viên phụ nữ và phát triển kinh tế gia đình
Nhiều dự án/ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ đã phát triển, tạo được công ăn việc làm cho hội viên phụ nữ và phát triển kinh tế gia đình
 
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành kèm theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/7/2017, gọi tắt là Đề án 939. Mục tiêu thực hiện Đề án 939 gồm: 90% cán bộ Hội LHPN chuyên trách các cấp tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển.
 
  HỖ TRỢ, ĐỒNG HÀNH CÙNG PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP
 
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng, khởi nghiệp, phát triển kinh doanh được xem là một trong những giải pháp tạo việc làm cho phụ nữ, giúp chị em tham gia phát triển kinh tế và khẳng định vị trí của mình trong xã hội thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2021 được Hội LHPN các cấp trong tỉnh triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, giúp cho nhiều chị em xóa bỏ rào cản về giới, mang lại một cơ hội lớn cho chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn có điều kiện để khởi nghiệp.
 
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện Đề án 939 trên địa bàn tỉnh với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Qua đó, 3 dự án/ý tưởng khởi nghiệp của 3 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Hội đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức cho 10 chị đại diện doanh nghiệp nữ tham gia hoạt động kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc và Đông Nam Bộ; qua đó đã có một số doanh nghiệp nữ trong tỉnh ký kết được các hợp đồng với các doanh nghiệp tỉnh bạn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tổ chức 5 sự kiện kết nối doanh nghiệp cùng nhà đầu tư với 70 gian hàng đại diện các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp nữ; kết quả có 18 tổ chức/cá nhân đã kết nối thành công về hỗ trợ vốn với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa truy xuất nguồn gốc, các kiến thức về khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh, bảo hộ thương hiệu, hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại…
 
Hội LHPN các huyện, thành phố đã thành lập “Quỹ tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho 205 hội viên phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các cấp Hội thành lập 10 hợp tác xã và 46 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý với 748 thành viên. 
 
KHƠI DẬY TINH THẦN KHỞI NGHIỆP CỦA PHỤ NỮ
 
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Đề án 939 đã giúp hội viên phụ nữ thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Đặc biệt nâng cao kiến thức, kỹ năng cho những hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh khả thi vào thực tế phát triển mô hình kinh tế hiệu quả.
 
Điểm nhấn trong việc triển khai thực hiện Đề án 939 là “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” được Hội LHPN tỉnh tổ chức hàng năm. Thông qua đó nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sức sáng tạo của phụ nữ, đồng thời kết nối giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ, các tác giả có ý tưởng khởi nghiệp khả thi với các sở, ban, ngành, đơn vị, nhà tài trợ để các bên có thêm thông tin, tìm kiếm, tiếp cận, hỗ trợ nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp. Qua 5 năm triển khai, đã có hơn 350 ý tưởng tham gia “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh, trong đó có 43 ý tưởng vào vòng chung kết và đoạt các giải của Hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp”. Hội LHPN tỉnh đã giới thiệu 28 ý tưởng/dự án dự thi cấp Trung ương, trong đó có 5 ý tưởng đoạt giải; đồng thời, giới thiệu 18 ý tưởng/dự án tham gia Hội thi Khởi nghiệp do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức, đã có 5 ý tưởng đoạt giải, trong đó, có một số ý tưởng phát triển, tạo được công ăn việc làm cho hội viên phụ nữ và phát triển kinh tế gia đình như Dự án Hồng sấy dẻo công nghệ Nhật Bản, dứa Cayenme sấy dẻo, Hợp tác xã Trùn quế Đơn Dương, dự án Dalahouse… 
 
“Qua 5 năm triển khai hoạt động thực hiện Đề án 939 đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trên toàn tỉnh về khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các đối tượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế, nữ thanh niên, từ đó góp phần tạo việc làm cho phụ nữ, giúp chị em tham gia phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững, giúp cho nhiều chị em xóa bỏ rào cản về giới, mang lại cơ hội lớn cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn có điều kiện để khởi nghiệp”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.
 
TUẤN HƯƠNG