Tuổi nhỏ chí lớn là một truyền thống được minh chứng rõ nét xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, như huyền thoại Thánh Gióng hay trong thực tiễn đấu tranh như Trần Quốc Toản, Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Võ Thị Sáu... Và những trang sử vàng ghi dấu một thế hệ thiếu niên anh hùng tiếp nối, dù nhỏ tuổi nhưng bất khuất, táo bạo và trí tuệ, luôn giữ vững niềm tin, lý tưởng cách mạng, mặc cho đòn roi tra tấn nơi ngục tù tăm tối của kẻ thù.
|
Ông Mai Thanh Minh |
Trong không khí của mùa thu cách mạng và Lễ Quốc khánh của đất nước, chúng tôi tìm gặp những nhân chứng sống của một thế hệ thiếu niên anh dũng - những tù nhân nhỏ tuổi của Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt - và may mắn được nghe Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Thanh Minh kể về những ký ức bi tráng, hào hùng và trí tuệ của một thế hệ thiếu niên kiên cường đấu tranh cách mạng, hiên ngang trước sự tra tấn, bạo tàn của kẻ thù.
•
TUỔI TRẺ CHÍ LỚN
Ông Mai Thanh Minh (tức Mai Bốn), sinh năm 1954, tại Đà Nẵng, nay cư ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. Do tuổi cao cùng di chứng của những năm tháng lao tù bị địch tra tấn, dày vò man rợ, sức khỏe của ông nay đã có phần suy giảm, thế nhưng, khi nhắc về ký ức của một thời niên thiếu, về chặng đường vững chí, gan dạ đấu tranh từ Đà Nẵng, Côn Đảo, Khám Chí Hòa đến Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, ông vẫn còn nhớ như in. Từng mốc thời gian, từng sự kiện, từng cái tên của đồng đội... không một chi tiết nào ông quên.
Quê hương bị bom đạn cày trắng, giặc tàn sát và giết hại, ông quyết chí lên đường diệt giặc. 13 tuổi, ông Minh làm liên lạc cho đơn vị Đặc công CK3 T89 tỉnh Quảng Đà (nay thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng). 15 tuổi, ông và đồng đội đánh phá nổ tung kho đạn Ngã ba Cây Sạp và Chi Cảnh sát Quận 3 Đà Nẵng khiến địch phải ra lệnh giới nghiêm. Tổ ông bị kẹt lại.
Đang ẩn nấp và kiên trì tìm phương án thoát vòng vây, tổ bất ngờ được tin có kẻ chiêu hồi phản bội. Chúng siết chặt vòng vây, truy quét, lùng sục khắt khe. Để đảm bảo cơ sở và người dân an toàn, tổ quyết định không dùng lựu đạn nên bị bắt.
Từ đây, hoạt động cách mạng của ông cùng các đồng đội nhỏ tuổi khác bước sang một trang mới - một hành trình đấu tranh bất khuất, gan dạ và mưu trí, kiên cường giữ vững lý tưởng cách mạng, mặc gian khổ, tra tấn, đánh đập, thủ đoạn dụ dỗ của kẻ thù.
•
KIÊN TRÌ, GAN DẠ, MƯU TRÍ
Do có người chỉ điểm, chúng tra tấn các anh tại trận. Dùi cui, ma trắc đánh đập tàn bạo, chúng pha xà phòng, ớt đổ vào miệng, mũi, các anh vẫn không khai; đốt nhà cơ sở, bắt người thân uy hiếp, vẫn nhất quyết không khai. Chuyển đổi nhà tù, thay đổi hình thức tra tấn, các anh vẫn không hé một lời. Cạn thủ đoạn, chúng bất lực đưa ông và ba đồng đội ra Tòa án quân sự. Tỉnh táo trước những luận điệu mị dân phản quốc của bọn tay sai, ông tự bào chữa cho mình bởi “đánh đuổi kẻ xâm lược, giành lại hòa bình cho đồng bào và Tổ quốc thì không có tội”, với ánh mắt kiên quyết, ông Minh kể lại.
16 tuổi, bị kết án 10 năm tù, ông bị đày khắp các ngục tù Kho Đạn, Côn Đảo, Chí Hòa, Đà Lạt... Mỗi ngục tù là một hệ thống thủ đoạn tinh vi, gian trá, nhục hình khát máu nhằm khuất phục ý chí cách mạng của dân tộc ta từ trong trứng nước. Nhưng chúng đã nhầm! Ngục tối không ngăn được lý tưởng cách mạng nở hoa. Ngược lại, mỗi đòn roi, mỗi thủ đoạn là một ngọn lửa thổi bùng thêm ý chí, lòng kiên trung của các chiến sĩ cách mạng.
Nhằm vận dụng những xu hướng chính trị dân sinh, dân chủ, bình đẳng, nhân đạo của các tầng lớp tri thức, tiến bộ trong và ngoài nước thời điểm đó, ông Minh cùng các đồng đội nhỏ tuổi với sự dẫn dắt của các thế hệ cách mạng đi trước đã chủ động tiếp cận và kiến nghị với các phái đoàn chính trị, nhân đạo quốc tế mỗi dịp họ ghé nhà tù. Các kế hoạch đấu tranh, chống nội quy, chống chào cờ, học tập văn hóa, sinh hoạt... được các chiến sĩ nhỏ tuổi tính toán, bàn bạc, phối hợp cẩn trọng. Tận dụng triệt để mọi điều kiện để đấu tranh, thậm chí đánh phủ đầu giám thị Xăm Pôn để dằn mặt chúng.
Nhờ đó, sức chịu đựng, tính tổ chức, kỷ luật ngày một nâng cao, và kế hoạch đấu tranh ngày càng khả thi, chi tiết. Nhưng hơn hết là sự gan dạ, táo bạo trong thực hiện. Đỉnh điểm là hành động tự mổ bụng lòi ruột để phản đối và làm thất bại thủ đoạn ngụy trá của kẻ thù. Hành động mổ bụng của ông và 4 đồng đội khác là kết quả của sự dũng cảm, mưu trí, tính toán cẩn thận nhằm mang lại hiệu ứng lớn nhất cho phong trào cách mạng. Trước sự đấu tranh không ngừng nghỉ của các chiến sĩ nhỏ tuổi, tháng 6/1973, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt phải giải thể, âm mưu thâm độc của bọn phi nghĩa phải chấm dứt.
Ra tù, ông Minh trở lại làm người lính giúp truy quét và tiêu diệt bọn tàn quân và Fulro ở Tây Nguyên. Đến tháng 8/1979, ông đi học rồi cống hiến trong ngành Tòa án, Tư pháp cho đến lúc nghỉ hưu. Nay, ông hạnh phúc khi có gia đình, có vợ và 3 con đều là đảng viên, luôn sống đúng với lý tưởng cách mạng.
Với ông, nền độc lập, hòa bình của đất nước ngày hôm nay được đổi bằng xương máu của những thế hệ cha anh, đồng đội đã nằm xuống, của những thế hệ thiếu niên nhỏ tuổi anh dũng bất khuất. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng ông luôn tin rằng thế hệ sau sẽ vẫn giữ được truyền thống khí phách cách mạng, sẽ viết nên những trang sử hào hùng tiếp theo cho dân tộc.
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin