Phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy

02:09, 28/09/2022
Nhằm phát huy triệt để phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, huyện Lạc Dương đã triển khai xây dựng các mô hình về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) từ khu dân cư, qua đó, kịp thời xử lý khi có sự cố cháy nổ xảy ra trên địa bàn. 
 
Một buổi thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại khu dân cư cho lực lượng dân phòng và thành viên Đội PCCC - CHCN trên địa bàn huyện Lạc Dương
Một buổi thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại khu dân cư cho lực lượng dân phòng và thành viên Đội PCCC - CHCN trên địa bàn huyện Lạc Dương
 
Cuối tháng 8 vừa qua, thị trấn Lạc Dương ra mắt Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại tổ dân phố (TDP) Hợp Thành. Mô hình hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi bộ TDP, tổ trưởng TDP điều hành và Công an thị trấn Lạc Dương hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. 
 
Nhiệm vụ thường xuyên của “Tổ liên gia an toàn PCCC” là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và quy định về PCCC, cứu hộ cứu nạn (CHCN); nắm tình hình liên quan đến công tác PCCC, CHCN và phản ánh với UBND, Công an thị trấn để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy nổ xảy ra; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thuộc “Tổ liên gia an toàn PCCC” và người dân tự giác chấp hành các quy định về PCCC và CHCN, thực hiện các điều kiện an toàn PCCC, các phương án thoát nạn phòng khi có sự cố cháy nổ xảy ra… Đồng thời, tham gia các hoạt động PCCC và CHCN khi được cấp có thẩm quyền huy động.
 
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương Trần Xuân Đường, Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” được thành lập nhằm tăng cường sự lãnh đạo về mọi mặt của các cấp ủy đảng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự, PCCC và CHCN. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong công tác PCCC tại khu dân cư. 
 
Thời gian qua, nhiều mô hình về an toàn PCCC trên địa bàn huyện Lạc Dương đã và đang phát huy hiệu quả trong hoạt động PCCC - CHCN. Các mô hình thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, phát huy triệt để phương châm “4 tại chỗ”. Điển hình như Đội PCCC - CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương, đây là đội PCCC xuất phát từ cộng đồng dân cư đầu tiên trên địa bàn huyện. Tuy hoạt động chưa lâu nhưng Đội PCCC - CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương đã kịp thời tham gia dập tắt nhiều vụ cháy tại địa bàn, không để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng. Cũng từ hiệu quả hoạt động của Đội, mô hình đã được nhân rộng ra ở nhiều xã như Đội PCCC - CHCN xã Đạ Nhim, Đội PCCC - CHCN xã Đạ Sar, Đội PCCC- CHCN xã Lát… 
 
Bên cạnh đó, UBND huyện Lạc Dương đã triển khai xây dựng Mô hình “TDP, thôn an toàn phòng cháy, chữa cháy” trên địa bàn huyện. Đồng thời, phát động Phong trào “Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự giác dỡ bỏ lồng sắt, tạo lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCCC và CHCN. Bên cạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các lực lượng chức năng còn tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình thông qua công tác kiểm tra an toàn PCCC và CNCH để người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PCCC, tự giác trang bị phương tiện chữa cháy và CHCN cho gia đình. 
 
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng thí điểm mô hình “TDP, thôn tự quản về an ninh trật tự và an toàn PCCC”, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Nhờ thường xuyên được tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở nên nhiều hộ dân đã tự giác thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC, trang bị các thiết bị chữa cháy tại chỗ, tự động tháo gỡ lồng sắt tạo lối thoát nạn thứ 2, dọn không gian sinh hoạt, kinh doanh hàng hóa để tạo không gian thông thoáng, lối thoát nạn đảm bảo an toàn khi không may xảy ra sự cố cháy nổ… 
 
Có thể thấy, để phong trào toàn dân PCCC hoạt động có hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Từ quan điểm chỉ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát, người dân cần phải thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với Phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” và phương châm chữa cháy “4 tại chỗ”. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về công tác PCCC của mỗi người dân từng bước được nâng lên. Đồng thời, phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác PCCC, góp phần đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
VIỆT HÙNG