Về ngôi làng ''lõm'' sóng điện thoại

12:09, 30/09/2022
Thức dậy khá sớm để vào Thôn 4 nhưng phải hơn 10 giờ trưa, chúng tôi mới bắt đầu xuất phát. Cơn mưa rừng đêm qua đã làm con đường nhão nhoẹt. Cái khó của Thôn 4 là nằm cách trung tâm xã Phước Cát 2 (Cát Tiên) hơn 25 km đường rừng, ngay vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Thôn có 46 hộ dân, là người đồng bào S’Tiêng và Châu Mạ. 
 
Thôn 4 cách trung tâm xã Phước Cát 2 đến 25 km, trong đó vẫn còn 5 km đường lầy lội, bùn đất.
Thôn 4 cách trung tâm xã Phước Cát 2 đến 25 km, trong đó vẫn còn 5 km đường lầy lội, bùn đất.
 
Để vào được Thôn 4, UBND xã đã phải cử cán bộ “cứng tay lái” dẫn đường để vượt qua những con dốc màu mỡ gà. Đến nay, chặng đường 25 km vẫn còn lại hơn 5 km đường đất lầy lội. Một tín hiệu vui đang đến với bà con nơi đây khi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 Mai Bảo Xuyên cho biết, sang năm 2023, đoạn đường còn lại sẽ được đổ bê tông. Còn riêng sóng điện thoại thì bà con lúc nào cũng hỏi thăm, đợt tiếp xúc cử tri nào bà con cũng kiến nghị vấn đề này. Nhưng chính quyền địa phương cũng đành giải thích cho bà con rằng “chúng tôi đã tổng hợp ý kiến của bà con và đã chuyển lên các cấp, ban, ngành liên quan”.
 
Người làm “hoa tiêu” chuyến đi lần này là Bí thư Đoàn xã Lương Việt Hiệu. Lầm lũi mãi trong cánh rừng, chúng tôi cũng vào được đầu thôn, điểm cao này là nơi có sóng điện thoại chập chờn duy nhất mà các loại máy điện thoại thế hệ mới có thể bắt lấy ít sóng. Hiệu bảo tôi “Anh cần liên lạc gì với bên ngoài thì gọi đi nhé, nhưng nói chung là câu được câu mất. Đó đó, mấy chiếc ghế nhựa đó là vị trí có sóng mà thanh niên trong làng đặt để bắt ít sóng. Còn không thì anh cố gắng leo lên ngọn cây điều kia, ở trên đó sóng điện thoại khá hơn”. Cây điều nhẵn bóng, vỏ láng lên màu vì những đôi chân trần của các cô, cậu thanh niên S’Tiêng, Châu Mạ vẫn trèo bắt sóng hàng ngày.
 
Từ con dốc có ít sóng điện thoại này đến thôn chừng 2 km, vào đến những ngôi nhà thấp thoáng thì smartphone hiện đại đến mấy cũng xem như bỏ. Căn nhà gỗ dựng mới ngay đầu thôn của ông Điểu K’Lanh may mắn có một vị trí duy nhất mà chiếc điện thoại màn hình đen trắng của ông có thể bắt được sóng. Thế là ông Điểu K’Lanh cắt một chai nhựa, đóng đinh vào vách, để điện thoại cố định bắt sóng, kiêm luôn nhiệm vụ thông tin liên lạc của cả thôn.
 
Ở UBND xã Phước Cát 2, các cán bộ xã có nội dung công việc gì cần trao đổi, gọi vào chiếc điện thoại di động mà phải đặt cố định đó. Rồi chờ và ông Điểu K’Lanh đi gọi trưởng thôn, cán bộ thôn đến nói chuyện. Con em đi học các trường nội trú hay đi ra khỏi thôn, xuống xã, xuống huyện có việc gì lại điện cho ông Điểu K’Lanh. Và ông Điểu K’Lanh - một người uy tín của vùng đồng bào dân tộc thiểu số bao lâu nay sẵn sàng làm nhiệm vụ bắc cầu thông tin cho cả thôn. 
 
Chiều, chúng tôi ghé điểm trường mầm non và tiểu học của Thôn 4. Hai thầy giáo “cắm bản” dạy học là Dương Văn Hiền và Nguyễn Văn Ngạn cho biết, ở thôn có 20 em học sinh tiểu học đang học lớp ghép. Hầu như internet, mạng xã hội là con số 0 đối với các em. Ngay bản thân hai thầy giáo khi lên đây dạy học cũng lắm vất vả vì 2 ngày phải lên con dốc đầu thôn để bắt sóng, gọi về cho gia đình. Nhiều đêm trằn trọc, thấy “nóng ruột” thì cũng không thể điện về cho vợ con, cha mẹ ngay được, mà phải chờ đến sáng sớm lên đầu dốc bắt sóng.
 
Nhiều năm nay, ông Điểu K’Lanh làm nhiệm vụ thông tin liên lạc bên chiếc điện thoại đen trắng
Nhiều năm nay, ông Điểu K’Lanh làm nhiệm vụ thông tin liên lạc bên chiếc điện thoại đen trắng
 
Tại điểm trường mầm non, chúng tôi không gặp được cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh vì lúc chúng tôi trò chuyện với các thầy tại điểm trường tiểu học thì cô phải tranh thủ về nhà, trong lúc cơn mưa rừng ngày càng nặng hạt. Cô giáo Hạnh là vợ của anh Đặng Văn Phước - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Cát 2. 
 
Ngày thứ 2 ở xã Phước Cát 2, anh Đặng Văn Phước trực tiếp chở tôi đi về địa bàn một số thôn để tìm hiểu về các mô hình của nông dân. Trên đường đi, câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì ở địa phương đan xen với câu chuyện của vợ chồng anh. Cô giáo Hạnh được phân công nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường mầm non. Tuyến đường đi dạy một ngày của cô là trên 50 km đường rừng nhưng cũng đành chấp nhận vì thương con nhỏ. Nỗi lo lắng nhất của anh Phước - một người chồng, người cha chính là hầu như các đoạn đường khó khăn nhất thì không có sóng điện thoại, nếu xe máy hư hay bị ngã dọc đường thì chỉ còn cách chờ bà con ngang qua phát hiện, hỗ trợ. 
 
Chia tay chúng tôi, anh Điểu K’Điệp - Phó Bí thư Chi bộ Thôn 4 tha thiết: “Những năm qua bà con đồng bào S’Tiêng, Châu Mạ ở đây nhận được sự quan tâm, đầu tư rất nhiều của Đảng và Nhà nước; nhờ vậy cuộc sống chuyển biến tích cực. Nay bà con Nhân dân trong thôn chỉ mong muốn làm sao được đầu tư hệ thống phát sóng điện thoại. Để bà con khỏi phải mò mẫm trong đêm í ới gọi nhau, con em được biết đến internet, được tiếp vận với công nghệ thông tin…”.
 
Giữa thời đại 4.0 thì Thôn 4, xã Phước Cát 2 vẫn là “vùng lõm” sóng điện thoại. Một nỗi buồn man mác của vị khách phương xa khi nghe bà con nhắn nhủ, gửi gắm rằng chúng tôi nhà nào cũng sẵn sàng hiến đất để xây trạm phát sóng, tham gia công sức, cõng gánh vật liệu. 
 
ĐỨC TÚ