Vườn xanh giúp giảm chi phí, giữ năng suất

06:09, 09/09/2022
Một khu vườn xanh mướt, với thảm cỏ phủ kín khắp khu đất rộng. Lối đi cũng kín mướt cỏ, với những tầng, tán cây cao - thấp. Mô hình canh tác xanh hướng tới mục tiêu giảm chi phí, giữ năng suất đang là một trong những hướng đi được nông dân thực hiện.
 
Anh Hường đang phát cỏ trong vườn cà phê
Anh Hường đang phát cỏ trong vườn cà phê
 
Mảnh vườn xanh được giới thiệu với lời đánh giá rất cao của ông Phạm Tấn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bố, huyện Di Linh. Ông Châu cho biết, đây là một trong những mô hình sản xuất cà phê xanh - sạch - đẹp của Tam Bố, mang lại nét đặc sắc trên vùng đất đá. Đó là mảnh vườn của gia đình anh Nguyễn Công Hường, Thôn Hiệp Thành 1, xã Tam Bố, với 3,3 ha cà phê trồng xen tiêu, mắc ca và trên mặt đất phủ tràn cỏ.
 
Anh Nguyễn Công Hường cho biết, anh cũng như đa số bà con Tam Bố chọn cà phê là cây trồng chính. Đất Tam Bố là đất đồi, chất đất khá khô, nhiều sỏi đá. Ngay mảnh vườn của anh, khi cuốc hố trồng cà phê cũng lổn nhổn đá, sỏi, anh phải nhặt từng viên đá nhỏ vận chuyển ra ngoài để có được mảnh đất như bây giờ. Đất khô, cây cà phê cũng khó phát triển do ít màu mỡ. Đặc biệt, với cơn nóng khát mùa khô Tây Nguyên, cà phê càng xác xơ do nắng, gió và thiếu nước.
 
Để cải tạo hoàn toàn đất cằn thành mảnh vườn xanh mướt như hôm nay, anh Nguyễn Công Hường đã áp dụng biện pháp canh tác thân thiện với môi trường. Trong khi nhiều nông dân còn duy trì quan niệm cần làm sạch cỏ để tránh cỏ tranh chấp dinh dưỡng với cà phê, anh Nguyễn Công Hường đã áp dụng biện pháp không làm cỏ, cho cỏ mọc ngập vườn. Để cỏ vươn tới chiều cao nhất định, anh Hường dùng máy phát sát xuống mặt đất. Lượng sinh khối xanh từ cỏ, anh để trực tiếp vào gốc cà phê. Theo thời gian, cỏ mục tại chỗ, tạo một lớp mùn, nhiều dinh dưỡng, cung cấp trở lại cho đất và cho cà phê “ăn” trực tiếp. Đặc biệt, dưới cái nắng gay gắt Tây Nguyên, cỏ tạo lớp thảm xanh, giữ mát cho đất. Dưới rễ cỏ, hệ thống vi sinh vật phát triển, tạo điều kiện cho thiên địch sống và hoạt động mạnh mẽ. Anh từng kiểm tra và nhận thấy dưới những gốc cỏ có cả tuyến trùng và một số sinh vật gây hại khác. Tuy nhiên, dưới sự hoạt động mạnh mẽ của vi sinh vật thiên địch và có cỏ là nơi cư trú, sinh vật gây hại kém hoạt động. Chính vì vậy, vườn cà phê của anh rất sạch, giảm chi phí tới 25 - 30% tiền phân bón, nước tưới cũng như chi phí thuốc bảo vệ thực vật. 
 
Anh Nguyễn Công Hường chia sẻ: “Nhiều vườn cà phê có nhiều rầy, vừa chích hút vừa gây bệnh, phải bơm thuốc phòng định kì. Nhưng vườn của gia đình tôi hoàn toàn không phải dùng thuốc rầy vì rầy sống ngay trong đám cỏ. Có nơi ở nên rầy không tấn công cà phê, vườn rất sạch”. Ngoài ra, để cỏ tạo cho vườn một cảnh quan hết sức đẹp mắt với đường đi phủ xanh mướt. Vườn cà phê càng thêm xanh với nhiều tầng, nhiều tán cây trồng. 
 
Anh Nguyễn Công Hường không chuyên canh cây cà phê, mà trồng xen cả mắc ca, hồ tiêu, tạo một quang cảnh chung với nhiều loại cây xen canh hợp lí. Anh cho biết, cây cà phê ưa bóng, sợ nắng và gió lớn. Vì vậy, trồng xen với tiêu và mắc ca, cà phê được chắn gió, giảm nắng, bớt rụng quả rất nhiều. Anh Hường đánh giá, trồng xen giúp anh thu được nhiều hơn trên cùng một diện tích đất. Tùy mùa tùy vụ, có khi cà phê có giá, khi thì hồ tiêu đạt năng suất cao. Như niên vụ 2022, hồ tiêu cho giá tốt, 70 ngàn đồng/kg, giúp gia đình anh có được một khoản thu nhập khá với 4 tấn tiêu. Đồng thời, nông dân cũng không bị phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, giảm bớt nỗi lo được mùa - mất giá.
 
Ông Phạm Tấn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bố đánh giá, mô hình vườn xanh như của anh Nguyễn Công Hường là mô hình mà Tam Bố đang hướng tới. Ông cho biết, xã đang vận động bà con trồng xen, trồng cây che nắng trong vườn cà phê, vừa tạo thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất, vừa đảm bảo môi trường sinh thái, giảm lượng nước tưới vào mùa khô. Xã cũng vận động bà con không bơm thuốc cỏ mà ứng dụng phương pháp để cỏ phủ đất, vừa tạo lượng sinh khối xanh, cung cấp độ mùn, giảm chi phí các loại thuốc, phân bón, đồng thời cải tạo môi trường, đảm bảo môi trường sống an toàn cho người nông dân. Giữa giai đoạn “bão giá” phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay, canh tác an toàn là biện pháp hiệu quả để giảm chi phí, giữ năng suất, đồng thời gìn giữ môi trường ngày càng sạch cho tương lai. 
 
DIỆP QUỲNH