Là địa bàn có khoảng 65% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực này là nhiệm vụ trọng tâm được huyện Đam Rông tập trung thực hiện suốt thời gian qua với nhiều giải pháp mang tính lâu dài và đột phá.
|
Trồng dâu nuôi tằm đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS ở Đam Rông |
•
CHUYỂN BIẾN TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS
Với nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, vùng đồng bào DTTS ở Đam Rông gần đây đã có những bước phát triển nhất định. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đam Rông: Tổng số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2050) là 2.130 hộ, chiếm tỷ lệ 14,8%. Trong đó, hộ nghèo người đồng bào DTTS là 1.992 hộ, chiếm 23,99%. Huyện Đam Rông hiện có 2.842 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 19,69%. Qua khảo sát có 875 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo vào cuối năm 2022.
Thực hiện Nghị quyết số 16, ngày 3/6/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng “Về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030”, huyện Đam Rông cũng đã xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS toàn diện trên các mặt, lĩnh vực. Trong đó, địa phương chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung; phát triển đồng bộ các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trên cơ sở những mục tiêu đặt ra, huyện Đam Rông cũng đã xây dựng lộ trình giảm nghèo cụ thể trong từng năm. Cụ thể, nỗ lực giảm 331 hộ nghèo trong năm 2022, giảm 333 hộ trong năm 2023, giảm 284 hộ trong năm 2024 và giảm 266 hộ trong năm 2025.
Hiện, huyện Đam Rông đang triển khai các giải pháp mang tính lâu dài và từng bước nỗ lực để đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS đạt từ 84 - 87 triệu đồng/năm (bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh). Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ. 100% các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế vùng đồng bào DTTS đạt trên 85 %. Các vấn đề về ổn định dân cư tập trung cho đồng bào DTTS di dân tự do trong các tiểu khu được sắp xếp ổn định. Đảm bảo 35% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của đồng bào DTTS; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc…
•
XÁC ĐỊNH GIẢI PHÁP PHÙ HỢP ĐIỀU KIỆN ĐỊA PHƯƠNG
Là địa bàn có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ đồng bào DTTS khá cao nên chỉ khi phát triển được khu vực dân cư này, huyện Đam Rông mới thực sự bứt phá. Xác định rõ điều này, bên cạnh những giải pháp mang tính lâu dài, nền tảng, cụ thể đối với từng lĩnh vực, huyện Đam Rông còn thực hiện các giải pháp mang tính đột phá.
Theo đó, huyện Đam Rông đang từng bước thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong tình hình mới, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Khai thác lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS đảm bảo phù hợp, đúng quy định để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững.
Xác định nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS là then chốt, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào DTTS, đáp ứng yêu cầu Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người DTTS.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào DTTS; tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu cấp thiết như: Bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản lý văn hóa cơ sở, quản lý kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị nhân lực, công nghệ thực phẩm...
Phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp điều kiện đặc thù của địa phương...
Tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận sự nỗ lực của huyện Đam Rông trong công tác giảm nghèo và dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này. Mới đây đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh do đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã làm việc với huyện Đam Rông và thống nhất Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ huyện để phát triển các mô hình sinh kế với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đặc biệt ưu tiên hộ nghèo đồng bào DTTS.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin