Với mong muốn cùng nhau phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, thời gian qua, những thanh niên người M’nông ở xã Rô Men, huyện Đam Rông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu nâng cao thu nhập là một tín hiệu đáng mừng.
|
Kinh tế gia đình anh Pang Tas Y Bang ổn định hơn nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm |
Thời gian gần đây, nhóm những thanh niên người M’nông ở xã Rô Men (huyện Đam Rông) đã mạnh dạn chuyển đổi từ những diện tích trồng cây cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Anh Pang Tas Y Bang - Bí thư Chi đoàn Thôn 2, xã Rô Men là một trong những người tiên phong đem nghề trồng dâu, nuôi tằm về địa phương và vận động đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tham gia vào mô hình thanh niên cùng nhau liên kết phát triển kinh tế. Anh Bang cho biết, nhiều năm trở lại đây, đặc biệt do tác động của sự biến đổi khí hậu, vườn cà phê của gia đình anh và các hộ dân trên địa bàn mất mùa, đậu trái kém, năng suất và chất lượng cà phê không đạt. Bên cạnh đó, các chi phí phát sinh tăng lên đáng kể, khiến cho cuộc sống của những người dân nơi đây khó khăn lại chồng chất khó khăn. Chính vì lẽ đó, anh đã xung phong tìm đến những địa bàn lân cận, tìm hiểu và học hỏi những mô hình kinh tế mới cho năng suất cao, mang lại giá trị kinh tế ổn định và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.
Đến năm 2017, anh Pang Tas Y Bang thử nghiệm mô hình trồng dâu, nuôi tằm trên 4 sào cà phê của gia đình. Nhờ các điều kiện tự nhiên tại Đam Rông phù hợp cho nghề trồng dâu, nuôi tằm mà vườn dâu của anh Pang Tas Y Bang phát triển nhanh chóng, anh bắt đầu vào công đoạn nuôi tằm, ươm tơ. Sau 6 tháng, anh thu hoạch về hơn 60 kg kén, bán cho các cơ sở thu mua với giá từ 200 - 230 ngàn đồng/kg. Từ kết quả ban đầu khả quan đó, anh Pang Tas Y Bang đã tham mưu với Đoàn Thanh niên xã Rô Men thành lập Câu lạc bộ Trồng dâu, nuôi tằm, để từ đó lan tỏa mô hình này đến bà con Nhân dân trên địa bàn.
Anh Nguyễn Nhật Linh - Bí thư Đoàn xã Rô Men, cho biết: Cây dâu là loại cây lâu năm, phải đến 15 - 20 năm sau mới cần trồng lại; chi phí đầu tư ban đầu vào mô hình trồng dâu, nuôi tằm là không quá cao, quá trình chăm sóc không đòi hỏi kỹ thuật nhiều. Qua khảo sát tình hình thực tế cũng như thấy được nhu cầu của người dân nên đến năm 2021, Câu lạc bộ Trồng dâu, nuôi tằm của Đoàn Thanh niên xã Rô Men chính thức ra đời và đi vào hoạt động với 4 thành viên do anh Pang Tas Y Bang làm Chủ nhiệm. Đến nay, sau hơn một năm hoạt động năng nổ, Câu lạc bộ đã có 10 thành viên đều là những thanh niên đồng bào M’nông cần cù, chịu khó. Tổng diện tích canh tác của nhóm khoảng 25 ha vừa trồng dâu, vừa nuôi tằm.
Anh Phi Srôn Y Quanh, một thành viên có nhiều nỗ lực trong việc phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, cho hay, trước đây, gia đình anh cũng như các hộ dân khác đều coi nghề trồng cà phê là nghề truyền thống, mang lại nguồn thu chính cho gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, cà phê không còn mang lại hiệu quả kinh tế như xưa, dẫn đến việc gia đình anh cần phải rẽ hướng sang một con đường khác để có thể nuôi sống bản thân cũng như nâng cao thu nhập cho gia đình, ổn định đời sống. Nhờ tham gia vào Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm của Đoàn Thanh niên xã, tham gia các lớp tập huấn do Đoàn tổ chức, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau liên kết phát triển kinh tế cũng như nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền mà đến đầu năm nay, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo. Trung bình thu nhập gia đình anh Phi Srôn Y Quanh từ việc trồng dâu, nuôi tằm 7-8 triệu đồng/tháng. Theo anh Quanh, trong nghề trồng dâu, nuôi tằm, khâu nuôi tằm là một trong những công đoạn then chốt và quan trọng nhất, đòi hỏi người nuôi phải thật kiên trì từ lúc ấp trứng tằm ở nhiệt độ thích hợp, băng tằm đúng thời điểm cho đến giai đoạn nuôi tằm con, tằm lớn chu đáo mới có thể cung cấp ra thị trường thứ nguyên liệu đầu vào của nghề ươm tơ, dệt lụa đạt chất lượng tốt nhất.
Theo anh Nguyễn Nhật Linh được sự quan tâm và ủng hộ của Đảng ủy xã, cùng các cấp chính quyền; đồng thời, tận dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 50 - 100 triệu đồng/hộ cho những đối tượng hộ nghèo, cận nghèo mà hiệu quả từ Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm mang lại là vô cùng thiết thực. Nhóm đã khơi dậy được tinh thần tương thân, tương ái, cùng nhau hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đât quê hương mình, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Bên cạnh đó, thúc đẩy những thanh niên yếu thế trên địa bàn thay đổi nhận thức, cùng nhau phấn đấu, vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống.
HƯƠNG LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin