Ý nghĩa Mô hình điểm Sơ cấp cứu chữ thập đỏ Ka Đô

06:10, 27/10/2022
Xã Ka Đô (huyện Đơn Dương) là một trong hai địa phương được Hội Chữ thập đỏ tỉnh chọn làm điểm Mô hình Sơ cấp cứu. Dù mới đi vào hoạt động, nhưng công tác chuẩn bị về mặt chuyên môn lẫn tổ chức đã được Điểm sơ cấp cứu Ka Đô chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống. Công việc tự nguyện, không lương, không phụ cấp của các thành viên đã trở thành một hình ảnh đẹp, lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng.
 
Các thành viên diễn tập tình huống sơ cấp cứu
Các thành viên diễn tập tình huống sơ cấp cứu
 
Sau bữa cơm trưa, bà Thái Hương Lân (63 tuổi) - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ka Đô, Điểm trưởng Điểm sơ cấp cứu xã lại tất bật đến hội trường thôn Ka Đô cũ để trực chốt sơ cấp cứu. Từ hơn 3 tháng nay, kể từ ngày thành lập Điểm sơ cấp cứu, công việc này dần trở nên quen thuộc với bà Lân cũng như gần 20 thành viên khác của điểm. Theo bà Lân, việc đặt trụ sở Điểm tại hội trường thôn Ka Đô cũ được Hội cân nhắc lựa chọn tối ưu. Vị trí này nằm trên tuyến đường 412 giáp ranh các xã Lạc Xuân và Pró của Đơn Dương, lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn nhưng lại xa trung tâm y tế; vì vậy, vị trí này giúp giảm thiểu các trường hợp thương tâm do không được sơ cứu kịp thời. 
 
Các thành viên của Điểm đa phần là tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên sơ cấp cứu cấp I của huyện. Mọi người luân phiên tham gia trực 24/24. Do mới đi vào hoạt động, Điểm sơ cấp cứu Ka Đô chưa được đông đảo người dân trên địa bàn biết đến. Vì vậy, thời gian vừa qua, Điểm tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức sơ cấp cứu cho người dân. Ngoài việc đặt các biển báo, số điện thoại đường dây nóng ở các tuyến đường huyết mạch, các vị trí người dân thường lui tới, Điểm cũng đã đến từng khu dân cư, từng trường học trên địa bàn hướng dẫn các kỹ thuật sơ cứu cơ bản, cũng như cách thức liên hệ, tiếp cận điểm khi cần hỗ trợ. Riêng đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài các hoạt động như trên, Điểm sơ cấp cứu xã còn vận động các nhà hảo tâm tặng quà cho bà con nghèo, từ đó, lồng ghép tuyên truyền các nội dung hoạt động của Điểm. “Những hình thức tuyên truyền này bước đầu mang lại hiệu quả, nhận thức về hành vi tham gia giao thông, kỹ thuật sơ cấp cứu và hoạt động của Điểm ngày một nâng cao và phổ biến trong dân cư. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức cùng sự tận tâm, trách nhiệm với công việc, vấn đề đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức hoạt động cũng là yếu tố quan trọng để Điểm vận hành tốt”, bà Lân cho biết. 
 
Bất kỳ một thành viên nào của Điểm, trước khi tham gia đều phải hoàn thành và nắm vững 10 kỹ thuật sơ cấp cứu. Ngoài ra, các thành viên còn thường xuyên diễn tập các tình huống cấp cứu khẩn cấp, khả năng phản ứng và ứng phó nhanh, đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, sơ cứu nạn nhân được tốt nhất. Các kỹ năng về việc trấn an tâm lý nạn nhân và người nhà, giúp họ bình tĩnh, không hốt hoảng cũng được Hội quan tâm, điều này giúp giảm thiểu những di chứng về mặt tinh thần lâu dài. 
 
Mặt khác, theo bà Lân, công tác tổ chức, phân công địa bàn hoạt động cũng được phân bố hợp lý, gần với nơi sinh sống của các tình nguyện viên để rút ngắn khoảng thời gian tiếp cận hiện trường, tận dụng khung “thời gian vàng” giảm thiểu rủi ro cho nạn nhân. Về mặt cơ sở vật chất, Điểm sơ cấp cứu Ka Đô cũng đã được trang bị các dụng cụ cần thiết như tủ đựng, cáng cứu thương, nẹp cố định gãy xương, vật tư y tế… Vì vậy, Điểm luôn sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống xảy ra. 
 
Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động thí điểm còn một số mặt hạn chế cần cải thiện. Trước hết, vấn đề đường dây nóng, một số đối tượng xấu, thiếu nghiêm túc đã lợi dụng chọc phá gây phiền nhiễu hoạt động của Điểm cũng như đời sống riêng của các thành viên. Ngoài ra, một số hoạt động cần có nguồn tài chính để duy trì bền vững, lâu dài, song nguồn kinh phí này hiện tại chưa có, thời gian tới cần có biện pháp để kêu gọi, xã hội hóa. 
 
Chia sẻ về những hạn chế này, ông Thiều Cường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đơn Dương cho biết, trong quá trình thí điểm sẽ không tránh khỏi phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Do vậy, thời gian tới, ngoài việc dự kiến vận động xã hội hóa xây dựng trụ sở chính cho Điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ Ka Đô, Hội sẽ luôn quan tâm sâu sát, nắm bắt tình hình để có những điều chỉnh, đề xuất giải pháp phù hợp với Hội cấp trên để mô hình thí điểm này được duy trì hoạt động hiệu quả và nhân rộng.
 
NHẬT QUỲNH