Đam Rông tiếp tục nỗ lực ổn định dân di cư tự do

06:11, 10/11/2022
Nhiều năm qua, huyện Đam Rông đã nỗ lực ổn định dân di cư tự do, góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi huyện Đam Rông phải tiếp tục nỗ lực giải quyết.
 
Bà con người DTTS di cư tự do vào Đam Rông hiện đang sinh sống ổn định tại Khu tái định cư Đưng G’Lê, xã Phi Liêng
Bà con người DTTS di cư tự do vào Đam Rông hiện đang sinh sống ổn định tại Khu tái định cư Đưng G’Lê, xã Phi Liêng
 
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đam Rông, trên địa bàn huyện hiện có 1.070 hộ với 5.143 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do vào địa bàn từ trước năm 2010. Các hộ dân di cư tự do đến huyện thường cư trú trong những khu vực vùng sâu, vùng xa, biệt lập với bên ngoài, giao thông đi lại hết sức khó khăn; đời sống chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là lúa nước và lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cà phê. 
 
Những năm qua, Trung ương đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, chăm lo đời sống Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đã góp phần giảm thiểu tình trạng dân di cư, trong đó có các hộ dân từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do tới địa bàn huyện Đam Rông. Trên địa bàn huyện cũng đã đầu tư xây dựng các điểm định canh, định cư để sắp xếp, bố trí, ổn định cuộc sống cho 338 hộ với 1.087 khẩu đồng bào DTTS di cư tự do. 
 
Cụ thể, Dự án Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do Đạ M’pô xã Liêng Srônh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2015 với tổng mức đầu tư trên 84 tỷ đồng để đầu tư, cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định cho 200 hộ/946 khẩu (ổn định tại chỗ cho 161 hộ, bố trí xen ghép 39 hộ). Quy mô dự án 330,18 ha. Hiện nay, tổng nguồn vốn của dự án đã được bố trí trên 67,9 tỷ đồng để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện... Hiện nay, dự án đã thực hiện được 75% tổng khối lượng công việc, giá trị giải ngân vốn được trên 55 tỷ đồng.
 
Dự án Sắp xếp dân di cư tự do khu vực Tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng Srônh được phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 159 tỷ đồng để sắp xếp, ổn định tại chỗ cho 192 hộ dân di cư tự do. Năm 2020, dự án được bố trí 20 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình lập dự án đầu tư, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật gặp nhiều khó khăn do dự án nằm ở xa trung tâm huyện, giao thông đi lại rất khó khăn; các tiểu dự án đăng báo đấu thầu vào tháng 12/2021 nhưng không có nhà thầu tham gia nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn của dự án. Do vậy, đến cuối năm 2021 chỉ giải ngân được trên 6 tỷ đồng, điều chỉnh nguồn vốn sang công trình khác trên 10 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại gần 5 tỷ đồng bị cắt và chưa được bố trí lại nên đến nay dự án chưa triển khai thực hiện các hạng mục, tiểu dự án.
 
Mặc dù còn nhiều khó khăn song việc đầu tư xây dựng các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn đã giúp huyện Đam Rông thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, hạn chế, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp lấy đất sản xuất. Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... được đầu tư tại các dự án đã tạo điều kiện cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống của Nhân dân, trẻ em được đến trường, người dân được chăm sóc sức khỏe y tế... nên đã từng bước giải quyết các vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy kinh tế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Áp lực về thực trạng dân di cư tự do trên địa bàn huyện Đam Rông nhờ vậy mà cũng giảm bớt. 
 
Tuy vậy, quá trình thực hiện các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn huyện Đam Rông vẫn còn nhiều khó khăn. Các hộ dân di cư tự do thường sinh sống trong rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để sản xuất nên đã gây áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Khu vực các hộ di cư tự do đến sinh sống thường xa khu dân cư, giao thông đi lại rất khó khăn. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các dự án bố trí dân cư lớn nhưng nguồn vốn được phân bổ hàng năm chậm, không theo kế hoạch vốn hàng năm, do vậy cơ sở hạ tầng của các dự án được đầu tư thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân di cư tự do đang sinh sống trong các khu rừng trên địa bàn sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Đam Rông đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Đồng thời đề xuất những giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế để các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn giúp địa phương từng bước giảm áp lực trước vấn đề dân di cư tự do.
 
NGỌC NGÀ