(LĐ online) - Lâm Đồng là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, với sự vào cuộc tích của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo ở Lâm Đồng giảm sâu... Nhiều bài học từ thực tế với những cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn đã góp phần quan trọng giúp Lâm Đồng giảm nghèo nhanh và bền vững.
LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH CHO ĐỒNG BÀO TẠI CHỖ
Các buôn Hang Hớt, Buôn Chuối, Cổng Trời (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) là nơi sinh sống tập trung của 470 hộ dân, trong đó trên 81% là bà con dân tộc thiểu số. Xác định rõ muốn giúp bà con giảm nghèo hiệu quả, phải tìm ra giải pháp căn cơ, cách làm sát đúng. Với suy nghĩ ấy, lãnh đạo UBND xã Mê Linh một mặt tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xây dựng và củng cố hệ thống giao thông với khoảng 3.500m được nhựa hóa và gần 4.000m được bê tông hóa. Thông thương đi lại, thuận tiện vận chuyển nông sản, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn về với vùng đất này lập nghiệp. Cũng thông qua cầu nối là chính quyền địa phương với các chủ trương thu hút đầu tư hợp lý, bài toán khó trong công tác tìm kiếm việc làm, từng bước xoá bỏ suy nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của nhà nước vốn ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của đồng bào, nay đã tìm được lời giải. Chị Bo Thị Sản, một công nhân của công ty TNHH Hưng Nông chuyên sản xuất và chế biến chè ôlong cho hay “Đời sống mình khá hơn khi mình biết trồng chè. Làm công nhân là phải đi làm đúng giờ, nghỉ phải xin phép, không phải muốn đi thì đi muốn nghỉ thì nghỉ đâu”. Không riêng gia đình chị Bo Thị Sản mà có đến 120 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực này được giải quyết việc làm, thu nhập bình quân đầu người nơi đây đạt 40 triệu đồng/năm.
KHƠI THÔNG NỘI LỰC CỦA ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, ĐẦU TƯ MŨI NHỌN GIÚP DÂN THOÁT NGHÈO
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy, chính quyền huyện Đạ Huoai đã bắt tay ngay vào thực hiện Nghị quyết 02 của Huyện ủy về công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Mục tiêu mà địa phương đặt ra là phấn đấu trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện còn dưới 0,7%, trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 1,8%. Để đạt mục tiêu này, huyện Đạ Huoai đã chỉ đạo quyết liệt các chương trình hành động hướng mạnh về cơ sở. Nhiều giải pháp tổng hợp được huyện Đa Huoai lồng ghép song song như sắp xếp bố trí lại dân cư, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tư vấn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề… Ngoài hàng trăm tỷ đồng dành cho vay sản xuất, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, địa phương còn ưu tiên hàng ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn đặc biệt là những khu vực khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Muốn đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững không gì khác hơn phải xem người nghèo chính là chủ thể của quá trình phát triển. Bài học kinh nghiệm đáng quý mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đa Huoai rút ra cho mình trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo đó là phải khơi thông nguồn sức mạnh nội lực của chính bản thân các đối tượng thụ hưởng. Với cách làm đúng đắn ấy, mục tiêu đến năm 2025, huyện Đạ Huoai không còn hộ nghèo sẽ không phải là chỉ tiêu phấn đấu quá xa vời.
CHỐNG TÁI NGHÈO ĐỂ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Thụ hưởng nhiều chính sách dành cho huyện 30a từ nguồn đầu tư củaTrung ương và địa phương, huyện Đam Rông xác định phải tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, ngoài việc đầu tư cho đối tượng là hộ nghèo, huyện Đam Rông còn dành nhiều sự quan tâm cho các hộ vừa mới thoát nghèo. Hướng đi này là hoàn toàn hợp lý khi mà nguy cơ tái nghèo vẫn luôn rình rập nhất là ở các địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tập trung đồng đồng bào dân tộc sinh sống. Về Đam Rông hôm nay, không quá khó để được nghe những câu chuyện thoát nghèo của anh Y Thom xã Đạ R’sal với mô hình chăn nuôi bò kết hợp đầu tư nông cụ phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản. Hay như gương sáng của ông Văn Hanh ở thôn 4 xã Phi Liêng huyện Đam Rông vượt đói thoát nghèo nhờ cây dâu, con tằm kết hợp với cải tạo vườn cà phê.
Giai đoạn 2016-2020, cả tỉnh giảm được 15.606 hộ nghèo so với đầu năm 2016, bằng 77,66% số hộ nghèo vào đầu năm 2016; bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,07%. Các địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao trong 5 năm qua là huyện Lạc Dương, Cát Tiên, Di Linh, Đạ Tẻh, Đam Rông.
Thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, đầu năm 2022, toàn tỉnh còn 9.731 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,87%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 6.739 hộ, chiếm tỷ lệ 8,55%; hộ cận nghèo còn 13.821 hộ, chiếm tỷ lệ 4,07%, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 8.211 hộ, chiếm tỷ lệ 10,47%. Hộ nghèo của tỉnh tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc thiểu số (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 22% số hộ dân cư, nhưng chiếm 65% hộ nghèo của tỉnh).
|
D.QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin