Khu dân cư tham gia bảo vệ rừng

05:11, 11/11/2022
Công an tỉnh Lâm Đồng vừa kiểm tra, đánh giá hiệu quả Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” tại xã B’Lá (huyện Bảo Lâm).
 
Công an tỉnh kiểm tra đánh giá hiệu quả Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” tại xã B’Lá (Bảo Lâm)
Công an tỉnh kiểm tra đánh giá hiệu quả Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” tại xã B’Lá (Bảo Lâm)
 
Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” được thành lập từ năm 2020, phạm vi hoạt động từ thôn 1 đến thôn 5, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm. Nội dung mô hình vận động Nhân dân xã B’Lá chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của thôn, xã. Tổ chức cho các hộ gia đình tại các thôn, tổ có rừng ký cam kết thực hiện các nội quy, quy chế hoạt động của mô hình và thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự (ANTT) theo cụm dân cư, thống nhất treo biển thông báo các quy định trong nội dung của mô hình tại các thôn, tổ với sự chứng kiến của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng công an trên địa bàn quản lý.
 
Xã B'Lá có 5 thôn với dân số 840 hộ, 3.500 khẩu, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của xã là 6.587 ha.Với đặc điểm là địa bàn có diện tích rừng lớn, công tác xây dựng mô hình tại xã B’Lá là vấn đề thực tiễn, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn huyện. Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng” đã từng bước gặt hái những thành quả đáng khích lệ, chứng minh được tầm quan trong chiến lược của công tác phát động Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
 
Để đảm bảo hoạt động hiệu quả mô hình, Công an huyện Bảo Lâm đã phối hợp với công an các xã, thị trấn có rừng tích cực phối hợp với các ban, ngành hướng dẫn các thành viên của mô hình tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương về công tác phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng đến toàn thể Nhân dân trong khu dân cư. Chủ động tham mưu với đảng ủy xã về công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn các thôn; xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác vận động quần chúng tham gia Phong trào Bảo vệ ANTQ ở khu dân cư; phối hợp với tổ hòa giải và các ban, ngành, đoàn thể phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về đấu tranh phòng ngừa các hành vi phạm pháp luật. Đồng thời, nắm tình hình liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng để kịp thời phản ánh cho lực lượng Công an xã phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Khi có vụ việc liên quan đến tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng xảy ra trên địa bàn, các thành viên Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” có mặt kịp thời để ngăn chặn, hạn chế hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra, cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, nắm tình hình có liên quan... kịp thời báo cho Công an xã tham mưu giải quyết.
 
Mô hình ban đầu được thành lập tại 5 thôn trên địa bàn xã B’Lá, đến nay đã nhân rộng ra ở 6 xã, thị trấn của huyện Bảo Lâm với khoảng 10.000 thành viên tham gia trên nguyên tắc tự nguyện, dưới sự chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy, điều hành của UBND, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Công an xã, phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT đối với các tổ chức, đoàn thể, cơ quan đơn vị trên địa bàn.
Ngoài ra, sự lan tỏa của mô hình bảo vệ rừng còn giúp cho việc vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, thực hiện tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội, thực hiện công tác quản lý, giáo dục người vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật tại khu dân cư diễn ra thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, có phương án tốt hơn trong việc bảo vệ người tố giác và gia đình người tố giác những hành vi vi phạm pháp luật quản lý, bảo vệ rừng.
 
Nhờ hoạt động tích cực của các thành viên, trong thời gian qua Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” đã đạt được kết quả cao như: Vận động 30 lượt người có uy tín trong dòng họ, chức sắc trong các tổ chức tôn giáo, các già làng, trưởng bản, người tiêu biểu trong thôn, tổ của các xã, thị trấn phối hợp tuyên truyền hàng trăm lượt, với nhiều buổi để vận động, kiện toàn và nâng cao năng lực Tổ “Tự quản về ANTT”, hoạt động “tự quản, tự phòng, phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng”. Tổ chức vận động tập trung nhiều lượt đối với các đối tượng có nguy cơ vi phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Các thành viên mô hình của các xã, thị trấn đã chủ động lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, cùng chính quyền và những hộ dân các xã, thị trấn trực tiếp tuần tra định kỳ nhiều lượt, khoảng 10.000 thành viên tham gia với phương châm “Mỗi thành viên là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng”.
 
Thông qua hoạt động của mô hình, các thành viên đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng Công an huyện đối với công tác phòng, chống tội phạm; kịp thời giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể như sau: Giai đoạn 2016 - 2019 khi chưa xây dựng mô hình thì tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản xảy ra hơn 70 vụ. Giai đoạn 2020 - 2021, từ khi xây dựng mô hình thì tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng xảy ra 8 vụ, giảm 88,58 % số vụ. 
 
AN NHIÊN