Phụ nữ Pré nói không với rác thải nhựa

12:11, 14/11/2022
Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đức Trọng đã triển khai xây dựng điểm Mô hình “Phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” tại thôn Pré, xã Phú Hội nhằm xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương. 
 
Chị em hội viên phụ nữ thôn Pré phân loại, tập hợp rác thải nhựa
Chị em hội viên phụ nữ thôn Pré phân loại, tập hợp rác thải nhựa
 
Năm 2020, hưởng ứng phát động của Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng về thực hiện Cuộc vận động “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, Hội LHPN huyện Đức Trọng đã triển khai sâu rộng đến các cơ sở Hội, toàn thể cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn huyện. Từ đó, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Thu gom, xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt, tái chế sản phẩm nhựa thành giỏ xách, giỏ đựng đồ…, trong đó, có sản phẩm tái chế rác thải nhựa sử dụng một lần thành hạt nhựa tái sinh để sản xuất các sản phẩm nhựa trong các lĩnh vực khác. Đồng thời, chọn điểm để xây dựng Mô hình câu lạc bộ (CLB) “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần” tại thôn Pré, xã Phú Hội với 15 thành viên.
 
Theo chị Ma Rim - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Hội, do đặc thù của đa số cán bộ, hội viên trên địa bàn xã là làm nông nghiệp, các loại chai đựng thuốc bảo vệ thực vật, màng phủ ni lông sau khi sử dụng thường vứt dọc bên đường, bên bờ ruộng làm ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan… Với mục tiêu giữ gìn vệ sinh môi trường chung, ngay khi được thành lập, Ban Chủ nhiệm CLB “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” đã xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động, hướng dẫn các thành viên trong CLB và hội viên phụ nữ thực hiện việc phân loại rác thải. Cụ thể, đối với rác thải làm từ nhựa sử dụng một lần như các loại chai nước ngọt, ly nhựa, muỗng nhựa… thì gom lại một nơi, cứ khoảng 2 tuần, sẽ tập hợp các loại rác thải này về cơ sở tái chế nhựa Ngọc Mỵ do chị Đặng Thị Mỵ, hội viên phụ nữ thôn Pré, xã Phú Hội làm chủ. Còn rác thải hữu cơ, chị em cũng được hướng dẫn cách ủ, xử lý để làm phân bón cho cây trồng trong gia đình. Chị Đặng Thị Mỵ cho biết: “Tôi có xưởng sơ chế các sản phẩm nhựa nên việc thu mua các sản phẩm này cho chị em trong CLB, trong thôn cũng rất thuận tiện. Giá thu mua khoảng 7-8 ngàn đồng/kg. Sau khi thải nhựa được thu gom, công nhân của cơ sở sẽ tiến hành băm vụn, làm sạch nhựa để loại bỏ hết chất bẩn, sấy khô và đem vào máy ép thành các hạt nhựa, sau đó, sẽ được chuyển về TP Hồ Chí Minh để sản xuất các loại ống nước sử dụng trong nông nghiệp”.
 
Chị Ma Rim cũng cho biết thêm, lúc mới đi vào hoạt động, Hội LHPN xã và các thành viên trong CLB cũng gặp khó khăn khi vận động chị em hội viên, vì việc xả rác thải trực tiếp ra môi trường đã là thói quen cố hữu, khó bỏ. Trước thực trạng đó, các thành viên trong CLB đã chia địa bàn để vận động, thuyết phục mỗi chị chịu trách nhiệm một xóm. Mặt khác, các thành viên của CLB cũng phải nêu gương trước, trong nhà của mỗi chị phải có ít nhất 2 bao tải để phân loại rác hữu cơ và rác thải nhựa.
 
Với cách làm đó, mất khoảng vài tháng, chị em trong thôn Pré mới hình thành được thói quen phân loại rác thải. Và nay, sau 2 năm thực hiện mô hình, đa số chị em hội viên phụ nữ đều xem việc phân loại rác thải trong sinh hoạt là một thói quen hằng ngày. Các chị em đã ý thức được rằng, việc thu gom rác thải nhựa để chế biến thành hạt nhựa tái sinh là một trong những việc làm thiết thực nhằm hạn chế việc xả rác thải bừa bãi ra môi trường, đồng thời, là nguồn nguyên liệu có giá thành rẻ, hữu ích trong sản xuất các loại sản phẩm nhựa trong nông nghiệp. Chị Ma Thủy - hội viên Chi hội phụ nữ thôn Pré cho biết: “Trước đây, tôi không hề biết cách phân biệt các loại rác thải, mỗi lần dùng xong thì vứt lung tung. Từ ngày được cán bộ Hội vận động, tuyên truyền, tôi đã có ý thức trong việc phân loại các loại rác thải dùng trong gia đình. Tôi cũng đã ý thức được rằng, việc làm này trước tiên là giúp tôi bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình mình, sau nữa là góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường chung”.
 
Chị Ma Rim cho biết thêm: “Số tiền thu được từ việc bán các loại rác thải nhựa sẽ được giao cho Hội LHPN xã giữ làm quỹ để hỗ trợ lại cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, cũng như duy trì sinh hoạt của mô hình. Từ hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại, chị em thuộc giáo họ Pré (thuộc giáo xứ Tùng Nghĩa) đã học theo, hàng tuần, hàng tháng cũng thu gom, phân loại rác thải nhựa để đem bán, gây quỹ hoạt động cho nhà thờ. Và dự kiến năm sau, Hội LHPN xã Phú Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, để vừa góp phần nâng cao ý thức của chị em tại các thôn này, vừa góp phần gây quỹ hoạt động cho các chi hội phụ nữ tại đây”.
 
NHẬT MINH