Cát Tiên: Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại

06:12, 28/12/2022
Cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, phát triển đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của người dân góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất hàng hóa, kinh tế - xã hội của huyện Cát Tiên.
 
Khi thương mại, dịch vụ phát triển, ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa
Khi thương mại, dịch vụ phát triển, ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa
 
Theo đánh giá của UBND huyện Cát Tiên, từ kết quả của Chương trình xây dựng Nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ. Tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, sản xuất hàng hóa được hình thành và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn ngày được ổn định và cải thiện. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân.
 
Trong đó, hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa trên địa bàn nông thôn. Trên địa bàn huyện, các chợ nông thôn theo quy hoạch đã được đầu tư đạt chuẩn theo quy định; các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tiện ích, tạp hóa kinh doanh tổng hợp đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của đời sống sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân.
 
Trong giai đoạn 2011 - 2020, huyện đã đầu tư xây dựng mới 4 chợ nông thôn (chợ Phước Cát 2, chợ Đức Phổ, chợ Đồng Nai Thượng, chợ Quảng Ngãi), nâng tổng số xã có chợ lên 7/7 xã và đã đưa vào sử dụng, trong đó chợ Phước Cát 1 quy mô chợ loại 2; chợ Gia Viễn quy mô chợ cụm xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại và trao đổi hàng hoá trên địa bàn huyện.
 
Tính đến nay, 100% xã đạt tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu so với giai đoạn trước đây, chỉ có chợ là nơi tập trung giao thương hàng hóa của địa phương thì nay,  đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện thì việc phát triển hạ tầng thương mại là điều tất yếu. Cùng với chợ, tại trung tâm các xã, đa số đều có cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng kinh doanh tiện lợi. Đặc biệt, tại hai thị trấn có hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh, Điện máy Xanh, Thế giới di động, Con Cưng... 
 
Ông Thạch Nguyễn Minh Cường - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cát Tiên cho biết, hạ tầng thương mại có nhiều chuyển biến trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Qua kiểm tra và đánh giá, sức mua của người dân trên địa bàn tại các hệ thống siêu thị vượt ngoài dự kiến của đơn vị đầu tư, điều đó chứng tỏ việc trao đổi mua bán thuận lợi, phù hợp với thị hiếu của một bộ phận dân cư, nhất là công chức nhà nước và những người có thu nhập ổn định.
 
“Ngoài mua sắm các loại thực phẩm thiết yếu tại chợ hằng ngày thì với các mặt hàng điện máy như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, người dân chúng tôi đã có thêm sự lựa chọn. Thay vì trả 1 lần với số tiền lớn như trước đây thì khách hàng có thể lựa chọn trả góp.  Các chính sách bảo hành, hậu mãi cũng rất chu đáo khiến chúng tôi yên tâm hơn”, chị Nguyễn Thị Sinh (thị trấn Cát Tiên) chia sẻ. 
 
Theo chị Sinh, trước đây muốn mua máy móc thiết bị lớn hoặc vật liệu xây dựng thì người dân phải ra khu vực Quốc lộ 20 hoặc sang địa phận tỉnh Đồng Nai mới có. Giờ đây, ở địa phương hầu như không thiếu mặt hàng nào, từ vật tư nông nghiệp đến xe máy, điện thoại… Các mặt hàng đa dạng về chủng loại, giá cả niêm yết phù hợp túi tiền từng người. 
 
Ông Cường cho biết thêm, Cát Tiên với đặc thù dân cư không tập trung, địa bàn không nằm trên trục giao thông nối liền các thành phố lớn nên trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa, thu hút du khách. Chính vì thế, Dự án Xây dựng trung tâm thương mại trên địa bàn đã có từ lâu nhưng cũng chưa thể kêu gọi đầu tư xây dựng. Việc phát triển các sản phẩm đặc trưng của huyện cũng còn hạn chế. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực của huyện như trái cây, lúa gạo… vẫn chưa thể đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng phân phối mà đa phần tiêu thụ tại chợ hoặc thông qua thương lái đến các địa phương khác.
 
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả khai thác các chợ nông thôn để cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa cho đời sống dân cư cũng như phục vụ sản xuất. UBND huyện cũng xây dựng cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào huyện, mời gọi thu hút đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
 
HỒNG THẮM