Ngày trước, khi nhắc đến Đà Loan, người ta nghĩ ngay đây là vùng đất khó thuộc các xã vùng Loan, huyện Đức Trọng. Vùng đất này đã gắn với nhiều người bởi những cụm từ đầy tâm trạng: "khổ lắm, thương lắm". Đà Loan ngày ấy, nghèo từ hiện thực cuộc sống cho đến cả trong giấc mơ của người dân. Vậy nhưng, giờ đây, với những chính sách đúng đắn của Đảng và chính quyền địa phương, sự nỗ lực, vượt khó của người dân đã làm cho vùng quê này từng bước “thay da, đổi thịt”. Hôm nay, Đà Loan đã "thức giấc", cái nghèo, cái khó đã được người dân nơi đây cất vào miền ký ức để nhường chỗ cho một mùa xuân đủ đầy và no ấm.
|
Nông dân Đà Loan có thu nhập cao nhờ sản xuất rau công nghệ cao |
•
ẤN TƯỢNG NHỮNG CON SỐ
Vì có hẹn trước nên tôi có mặt tại xã Đà Loan khi mặt trời còn ngái ngủ. Đi trên con đường được thảm nhựa ở thôn Đà Lâm, Chủ tịch UBND xã Đà Loan, ông Phan Đình Quý phấn khởi nói rằng: “Con đường đang thi công, Tết này là hoàn thành, bà con vui và phấn khởi lắm”. Con đường ông Quý vừa nói có chiều dài 950 m, mặt đường 10 m, vỉa hè mỗi bên 3 m. Trên dọc tuyến đường có điện chiếu sáng, cây xanh, mương thoát nước. Tổng mức đầu tư 14,9 tỉ đồng bằng nguồn vốn của Nhà nước.
Không chỉ với những công trình Nhà nước đầu tư, mà những năm qua, người dân xã Đà Loan đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng. Gia đình ông Phạm Công Đắc ở thôn Đà Thành đã đầu tư tiền tỉ vào sản xuất rau công nghệ cao. Với mô hình trồng ớt chuông, dưa leo, cà chua trong nhà kính, mỗi năm ông có thu nhập 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. “Để làm được nông nghiệp công nghệ cao thì ngoài việc học hỏi khoa học - kỹ thuật trên phương tiện truyền thông, tôi còn tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ do ngành chức năng tổ chức. Kiến thức phải cập nhật liên tục thì trồng rau công nghệ cao mới đạt hiệu quả”, ông Phạm Công Đắc trao đổi với chúng tôi về hành trình làm giàu chính đáng của mình như thế.
Nêu ra những mô hình kể trên để chứng minh rằng, vùng đất “rốn nghèo” Đà Loan ngày xưa giờ đây đã thực sự khác, khác từ trong cách làm, lối nghĩ của người dân cho đến cơ sở hạ tầng hiện tại. Năm 2022, xã Đà Loan được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. So với thời gian trước, Đà Loan bây giờ đã “lột xác”. Chúng tôi ấn tượng đặc biệt là các chỉ tiêu về kinh tế của địa phương. Theo đó, năm 2022, giá trị sản xuất bình quân của xã đạt 244 triệu đồng/ha canh tác; thu ngân sách nhà nước là trên 12,4 tỷ đồng. Nếu như đầu năm nay, xã Đà Loan có 92 hộ nghèo thì cho đến nay, số hộ nghèo giảm còn 71 hộ. 3 năm trước, thu nhập của người dân chỉ 46 triệu đồng/người/năm thì hiện tại con số này đã tăng lên 64 triệu đồng.
Đi trên những con đường được trải bê tông phẳng lì, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang hiện về nơi vùng đất Đà Loan vốn gian khó một thời. Các tuyến đường Đà Phước, Đà R’giềng, hội trường thôn Đà Lâm, Đà Thọ, Đà Thành đã được nâng cấp, xây mới, những căn nhà khang trang mọc lên làm cho bộ mặt nông thôn của xã Đà Loan thay đổi theo hướng tích cực. Hiện nay, diện tích sản suất ứng dụng công nghệ cao của xã là 469,82 ha, trong đó, nhà lưới 15,83 ha, nhà kính 61,93 ha. Đến nay, nhiều mô hình làm kinh tế cho thu nhập từ 500 đến 1 tỷ đồng/năm là chuyện bình thường ở xã Đà Loan.
Bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế, xã Đà Loan đã có những gam màu mới trên lĩnh vực văn hóa - xã hội với 95% dân số xã đã tham gia bảo hiểm xã hội, tỉ lệ học sinh mẫu giáo, tiểu học duy trì sĩ số đạt 100%, trung học cơ sở đạt trên 99%, có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa thể thao, quốc phòng an ninh được chú trọng giữ vững và đạt nhiều kết quả khởi sắc.
|
Trường Mẫu giáo Đà Loan được xây dựng khang trang |
•
ĐỂ Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN
Được thành lập từ năm năm 1977, toàn xã Đà Loan có 11 thôn, trong đó có 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, dân số của xã là 11 ngàn người. Chương trình xây dựng Nông thôn mới thực sự đem lại một luồng sinh khí cho vùng đất Đà Loan trong những năm qua. Những đổi thay trên vùng đất Đà Loan không chỉ đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức của Nhân dân mà còn là bước tiến trong sự điều hành của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Là một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để khích lệ, động viên tinh thần người dân, cấp ủy, chính quyền, xã Đà Loan đã có những phương pháp cụ thể trong điều hành. “Để người dân đồng hành cùng chính quyền trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy đảng và chính quyền khảo sát nhu cầu của người dân, xem họ cần cái gì, mong muốn cái gì. Từ thực tế đó, chúng tôi xây dựng nghị quyết một cách sát sườn đúng thực tế và nhu cầu. Ngoài ra, trong Đảng ủy xã đã có sự phân công, phân nhiệm từng đồng chí theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cho mỗi chương trình cụ thể. Có tổng kết, đánh giá, có biện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”, đồng chí Nguyễn Công Hiệp - Bí thư Đảng ủy xã Đà Loan nói rõ hơn về đường lối, chủ trương ở địa phương như thế.
“Những chủ trương hợp lòng dân của cấp ủy đảng, chính quyền xã Đà Loan đã có tác dụng khơi dậy tinh thần vượt khó, nỗ lực thoát nghèo của Nhân dân. Để tiếp tục tạo ra những “quả ngọt” trên vùng đất này. Thời gian tới, xã Đà Loan sẽ tập trung hỗ trợ cho người dân vay vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, xã sẽ phối hợp mở các lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn; tăng cường vai trò của bộ phận khuyến nông để hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”, Chủ tịch UBND xã Đà Loan Phan Đình Quý nhấn mạnh thêm.
Một mùa xuân mới lại về, đánh dấu sự nỗ lực và chuyển mình của vùng đất xa Đà Loan, Đức Trọng. Hành trình đuổi đói, xua nghèo trên mảnh đất Đà Loan là sự kết hợp chan hòa giữa ý Đảng và lòng dân. Hôm nay, miền quê Đà Loan đang rộn rã với bao điều mới mẻ. Một Đà Loan “đáng sống” và thực sự “thức giấc” khi mùa xuân chạm ngõ nơi này.
THÀNH NAM