Người căn chỉnh thời gian

06:12, 23/12/2022
Bên chiếc bàn làm việc tại các góc phố ở thị trấn Di Linh, những “người căn chỉnh thời gian” vẫn chăm chú với công việc, tỉ mỉ dùng những dụng cụ nhỏ nhắn, sửa chữa duy trì “nhịp đập” cho từng chiếc đồng hồ.
 
Thợ sửa đồng hồ tỉ mẩn, cặm cụi với từng chi tiết ở thị trấn Di Linh
Thợ sửa đồng hồ tỉ mẩn, cặm cụi với từng chi tiết ở thị trấn Di Linh
 
Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, mọi người đã quá thân thuộc với hình ảnh những người thợ sửa đồng hồ đeo tay tỉ mẩn, chu đáo, cặm cụi với từng chi tiết ở mỗi góc phố tại thị trấn Di Linh. Theo lời kể của ông Trần Hùng, thợ sửa chữa đồng hồ tại góc chợ Di Linh thì thời kỳ hoàng kim của nghề sửa chữa đồng hồ bắt đầu từ những năm 1980 đến năm 2000, ở Di Linh có khoảng gần 20 thợ sửa chữa đồng hồ. Gắn bó với nghề này được 42 năm, ông Hùng chia sẻ: “Năm 1982, mình vừa đi học nghề vừa học phổ thông, anh trai có tiệm sửa chữa đồng hồ nhỏ, hằng ngày thấy anh làm, mình chăm chú học hỏi và bắt đầu mày mò thử sửa chữa. Anh trai thấy em thích và mê, sau đó đã truyền dạy hết nghề lại và giao tiệm sửa chữa đồng hồ lại cho mình làm đến nay. Khi làm nghề này quen rồi, mình cảm thấy rất yêu nghề, vì cái nghề đã nuôi sống gia đình mình, con cái mình thành đạt cũng nhờ nghề”.
 
Ông Hùng cho biết, công việc sửa đồng hồ đòi hỏi sự kiên trì, độ khéo léo và quan trọng nhất là lòng đam mê. Bởi, nghề này  không chỉ cần đến yếu tố cẩn thận và yêu cầu cao về sự hoàn hảo trong công việc mà người thợ còn phải có tính kiên trì cùng một sức khỏe tốt. Giờ cuộc sống đã đầy đủ, nhưng ông vẫn không bỏ nghề, vì đã tìm được niềm vui trong công việc.
 
Còn tại góc phố đường Hùng Vương, ông Nguyễn Phi Cường, một thợ sửa đồng hồ có hơn 30 năm kinh nghiệm cho biết, ông làm nghề từ năm 1991, từ khi người dân sử dụng loại đồng hồ lên dây cót, rồi sau này xài pin, bây giờ lại quay lại đồng hồ cơ (tự động). Mỗi chiếc đồng hồ có hàng trăm chi tiết rất nhỏ, phải dùng đến kính lúp, kính hiển vi để thực hiện sửa chữa nên khi gắn bó với nghề đòi hỏi người thợ phải có trí nhớ tốt và yêu cầu sự tập trung gần như tuyệt đối. Bên cạnh đó là sự cần cù, chịu khó và tỉ mỉ. 
 
Ông Cường nhớ rất nhiều kỷ niệm với nghề: “Có lần, khách tìm đến tôi để sửa chiếc đồng hồ cơ cổ có giá trị không chỉ về mặt tiền bạc mà giá trị về tinh thần của người sở hữu nó. “Bắt bệnh” chiếc đồng hồ bị gãy chiếc bánh răng nhỏ, tôi phải tìm bánh răng để thay thế. Chỉ khi chiếc đồng hồ nhẹ nhàng vang lên những tiếng tích tắc, lúc ấy, trong lòng dâng lên một cảm giác vui sướng khó tả. Hay có một vị khách cứ khoảng 1 tuần, nửa tháng là tới căn chỉnh đồng hồ sai lệch thời gian, chú trở thành khách quen, chỉ cần tới là mình biết chú làm gì. Mình cố gắng chỉnh sửa sao cho đồng hồ chạy đúng giờ nhất bởi với người đàn ông ấy, đồng hồ không chỉ để xem thời gian mà còn là kỷ niệm, kỷ vật”.
 
Thời đại ngày nay, những chiếc đồng hồ hiện đại được tích hợp nhiều chức năng hơn, nhiều kiểu dáng mẫu mã phong phú hơn để người dùng tha hồ lựa chọn, nên yêu cầu của việc sửa chữa phức tạp hơn rất nhiều. Theo ông Cường, yếu tố quan trọng nhất để thành người thợ đồng hồ giỏi là sự đam mê không bao giờ chịu khuất phục trước sự cố nào của cỗ máy thời gian; đồng thời  phải thích nghi và tiếp thu kiến thức mới để theo kịp mới sửa chữa được những loại đồng hồ khác nhau”, ông Cường tâm sự.
 
Cùng với sự phát triển nhanh của điện thoại di động có chức năng hiển thị giờ, ngày tháng, thói quen sử dụng đồng hồ để xem thời gian của mỗi người không còn nhiều. Ngay cả chiếc đồng hồ treo tường trong nhiều gia đình cũng là đồ điện tử. Vì vậy, nhiều người đành phải bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh. Mặt khác, ngày càng ít người trẻ tuổi muốn kế thừa cái nghề vừa khó học, vừa đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ này. Ông Hùng trăn trở: “Chúng tôi đã có tuổi, mắt kém, tay run và không theo kịp với sự phát triển của công nghệ sản xuất đồng hồ. Mong muốn lớp trẻ học được nghề, học hỏi được chức năng của đồng hồ chạy như thế nào và sửa chữa được tất cả các loại đồng hồ từ xưa đến nay, đây là điều đáng quý để sau này tiếp nối nghề của mình tốt hơn. Nếu lớp trẻ đủ kiên nhẫn, tỉ mỉ và đam mê để học nghề, tôi sẵn sàng dạy miễn phí”.
 
Còn ông Hùng, ông Cường vẫn hàng ngày ngồi sau chiếc tủ kính nhỏ bé, thầm lặng giữa dòng đời xuôi ngược, vẫn còn giữ trong thâm tâm niềm tự hào về cái nghề đã giúp họ làm nên cơ nghiệp. Tuy không lớn lao nhưng cũng đủ lo sinh kế cho gia đình. Không chỉ tự hào với nghề, những người thợ sửa đồng hồ còn tin tưởng vào sự tồn tại và phát triển của nghề trong tương lai. Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, những tâm huyết của lớp thợ giàu tài năng và kinh nghiệm cô đọng lại trong niềm tin: “Còn thời gian thì còn đồng hồ, mà còn đồng hồ thì nghề sửa đồng hồ vẫn còn đất sống”.
 
HOÀNG YÊN