Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và các mô hình hiệu quả, thiết thực, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên, phụ nữ và cộng đồng.
|
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ trong bảo vệ môi trường |
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cũng như cộng đồng. Trong đó, phải kể đến các mô hình phụ nữ thích ứng biến đổi khí hậu do các chi hội, tổ phụ nữ đảm nhận như: tái chế, tái sử dụng chất thải, trồng cây xanh - đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp... Cùng với đó là các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải, giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa cũng được các cấp hội triển khai thực hiện, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với ngành Tài nguyên - Môi trường để thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường. Qua các chương trình, hoạt động tuyên truyền, vận động đã cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Tiêu biểu như chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” đã kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân nêu cao ý thức và bằng những hành động cụ thể, thiết thực bảo vệ môi trường.
Hội Phụ nữ và ngành Tài nguyên - Môi trường cũng đã phối hợp xây dựng, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường thiết thực, hiệu quả tại cộng đồng như: “Phụ nữ sống xanh”, “Đổi chất thải lấy quà tặng”, “Phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn”, “Phụ nữ với vệ sinh môi trường”... phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, Hội Phụ nữ phối hợp với ngành Tài nguyên - Môi trường xây dựng các mô hình điểm tại cộng đồng và các chợ tại các địa phương như Đơn Dương, Lâm Hà, Bảo Lộc, Cát Tiên nhằm giúp hội viên, phụ nữ cùng người dân thay đổi hành vi về hạn chế dùng túi nylon và rác thải nhựa dùng một lần khi đi chợ. Bên cạnh đó là triển khai các hoạt động phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO) góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, đặc biệt ở cơ sở thông qua các khóa tập huấn hàng năm.
Cùng với các hoạt động nêu trên, các cấp Hội Phụ nữ đã phát huy vai trò trong xây dựng, giám sát, phản biện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ, cộng đồng khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tham gia góp ý các văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thường xuyên hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách, trong đó có những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường để có những kiến nghị bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề môi trường cho phù hợp, đảm bảo lồng ghép giới.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã đặc biệt quan tâm và có nhiều quan điểm, chủ trương mới về vấn đề bảo vệ môi trường, đưa vào một số chỉ tiêu quan trọng như: đến năm 2025, 100% cán bộ, đảng viên được phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách quan trọng của Trung ương và địa phương về bảo vệ môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nông thôn đạt trên 50%, tại đô thị đạt trên 70%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đúng quy định tại nông thôn đạt 80%, đô thị đạt trên 95%... Trước yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường hiện nay, cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành. Trong đó, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong bảo vệ môi trường, sáng tạo, đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ môi trường, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới trong bảo vệ môi trường nói chung và góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
VIỆT HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin