Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngoài việc hệ thống đường bộ ngày càng được quan tâm đầu tư mới, thì một phần của hệ thống giao thông đường bộ đã hình thành trước đây cũng ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại. Do đó, công tác bảo trì các công trình đường bộ vẫn luôn là vấn đề hết sức cần thiết nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của các cung đường đang khai thác. Các hoạt động bảo trì đường bộ thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào việc kéo dài tuổi thọ hệ thống đường, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh địa phương.
Công nhân nâng cấp thảm nhựa đèo Mimosa |
Có thể kể đến một số kết quả trong quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, đường tỉnh giai đoạn 2013 - 2022 đối với Sở GTVT Lâm Đồng, đó là duy tu, bảo dưỡng thường xuyên 4 tuyến quốc lộ dài 198 km được ủy thác cho Sở GTVT Lâm Đồng quản lý và 443 km tỉnh lộ được bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ theo kế hoạch bảo trì của Bộ GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng. Hạ tầng giao thông đã có chuyển biến tích cực, cụ thể như: Trên các tuyến quốc lộ sửa chữa định kỳ đã thảm bê tông nhựa nóng (BTNN) trên Quốc lộ 27 khoảng 57,5 km; Quốc lộ55 khoảng 9 km, Quốc lộ 28B khoảng 5 km, Quốc lộ 27C khoảng 28 km, Quốc lộ 20 (đoạn đèo Mimosa) khoảng 8,5 km. Ngoài ra, các tuyến cũng được sửa chữa cục bộ láng nhựa. Hệ thống thoát nước dọc, ngang, hệ thống an toàn giao thông (ATGT) cũng được sửa chữa trên các đoạn tuyến đã được sửa chữa định kỳ. Công tác bảo dưỡng thường xuyên đã được bố trí kinh phí khoảng 50 triệu/km.
Trên các tuyến tỉnh lộ, Ban Quản lý đường bộ đã sửa chữa định kỳ thảm BTNN trên ĐT725 khoảng 52 km; ĐT722 11 km, ĐT729 là 5 km. Ngoài ra, các tuyến cũng được sửa chữa cục bộ láng nhựa; hệ thống thoát nước dọc, ngang, hệ thống ATGT cũng được sửa chữa. Công tác bảo dưỡng thường xuyên đã được bố trí kinh phí khoảng 50 triệu 1 km.
Nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông - đảm bảo ATGT và giải tỏa hành lang đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác quản lý, bảo trì đường bộ của ngành GTVT. Những năm qua, vượt qua khó khăn, bất lợi, ngành GTVT tỉnh Lâm Đồng đã khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do các đợt lũ, lụt xảy ra. Công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên đường bộ có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng cầu đường êm thuận, an toàn. Ngành cũng triển khai có hiệu quả các công trình khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông...
Để sẵn sàng đối phó với tình hình mưa lũ bất thường, đảm bảo giao thông qua địa bàn an toàn, thông suốt, sở đã chỉ đạo các đơn vị tham gia quản lý, bảo trì đường bộ kiểm tra, rà soát các vị trí mặt đường bị hư hỏng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo cả kỹ thuật, thẩm mỹ; rà soát các vị trí có nguy cơ hư hại trong điều kiện bão lũ để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Thống kê đến nay, các dự án bảo trì đường bộ đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Sở chỉ đạo các đơn vị đảm bảo tiến độ các dự án duy tu, bảo dưỡng; từng bước triển khai áp dụng công nghệ mới trong công tác duy tu bảo trì đường bộ. Thời gian qua, nhiều công trình hoàn thành, đem lại hiệu quả tích cực như dự án sửa chữa mặt đường, rãnh thoát nước; từng bước xóa các điểm đen, được chính quyền địa phương ghi nhận, ủng hộ và người tham gia giao thông đồng tình, phấn khởi. Sở xây dựng lộ trình tiếp tục rà soát để từng bước xóa các điểm đen khác trên địa bàn. Nhìn chung, công tác bảo trì góp phần tăng hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng đường bộ có thời gian khai thác dài hơn, trật tự, an toàn được nâng lên, góp phần giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông trong các năm gần đây.
Tuy nhiên, hiện nay, vốn kinh tế sự nghiệp giao thông đường bộ chỉ đáp ứng được một phần công tác bảo trì đường bộ. Trên hệ thống quốc lộ và đường tỉnh, công tác bảo trì mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế. Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng nằm ở khu vực Tây Nguyên, có địa hình chia cắt, mùa mưa kéo dài thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình cao, độ ẩm lớn nên ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình, các mái taluy đường thường xuyên sạt lở, mặt đường dễ hư hỏng. Hạ tầng hệ thống giao thông đường bộ một số tuyến đã được đầu tư từ rất lâu như Quốc lộ 27, một số tuyến chưa được vào cấp như Quốc lộ 55, 28B. Với nguồn kinh phí bảo trì hạn hẹp, sở thường chỉ có thể ưu tiên sửa chữa những đoạn tuyến hư hỏng gây khó khăn đi lại cho người dân. Bên cạnh đó, tranh thủ vốn từ các nguồn khác, từng bước đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường đã xuống cấp. Chính vì lẽ đó, rất cần bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động bảo trì đường bộ, kể cả đường tỉnh và đường địa phương quản lý.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin