Giữ gìn điệu then trên quê hương mới

VIỆT QUỲNH 06:09, 23/02/2023

Tân Thanh mùa hoa cà phê nở trắng xóa. Giữa cái nắng rực rỡ trong tiết giêng hai, giai điệu hát then, đàn tính ngọt ngào của những người con dân tộc Tày, Nùng xa quê vẫn đang hàng ngày được vang lên và truyền dạy, tiếp nối trên mảnh đất Lâm Hà thắm thiết ân tình.

Giáo viên và học viên đều là nông dân, nhưng có chung một niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng
Giáo viên và học viên đều là nông dân, nhưng có chung một niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng

LỚP HỌC CỦA NHỮNG NÔNG DÂN

Nằm lọt thỏm giữa vườn cà phê, ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Triệu Thị Nơm (thôn Hòa Bình, xã Tân Thanh) hơn 2 tháng nay trở thành một lớp học đặc biệt. Ở đó, nghệ nhân Nơm là cô giáo, và học viên là những người sống xung quanh đam mê với điệu đàn tính, hát then của dân tộc Tày, Nùng. Lớp học có giờ sinh hoạt chính vào buổi tối, nhưng bất kể trưa hay chiều, hễ rảnh là “học sinh” lại sang nhờ “giáo viên” chỉnh dây đàn, tập đàn hát những điệu then mới. 

Đó là 1 trong 3 nhóm thuộc lớp truyền dạy đàn tính, hát then do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Lâm Hà tổ chức, được khai giảng từ cuối năm 2022. Lớp học do 3 nghệ nhân thuộc Câu lạc bộ (CLB) Đàn tính, hát then xã Tân Thanh đứng lớp, với 30 học viên đủ độ tuổi, từ học sinh tiểu học đến các chị, các cô năm nay đã gần 50 tuổi.

Lớp học chỉ diễn ra trong 1 tháng vào các buổi tối và ngày cuối tuần nhằm thuận tiện thời gian hơn cho các học viên chủ yếu là nông dân và học sinh. 30 học viên được chia ra làm nhiều nhóm để các nghệ nhân có thể hướng dẫn kỹ càng cho từng người. Nghệ nhân Triệu Thị Sa - Chủ nhiệm lớp học chia sẻ: “Không có giáo trình riêng hay chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, chia sẻ kinh nghiệm cho các em”. 

Sau 1 tháng, các học viên đã biết được một số kỹ năng cơ bản như cách đánh đàn tính; hát được 5 làn điệu then và các làn điệu dân ca Tày, Nùng truyền thống cùng các điệu múa. Dù vậy, họ vẫn còn phải học rất nhiều mới có thể thuần thục. Chính vì thế, khi lớp học đã kết thúc, nhưng những tấm chiếu trải giữa nhà của các nghệ nhân mỗi tối vẫn xôn xao tiếng nói cười, các chị em đến để cùng nhau học thêm và luyện tập.

Dẫu con đường đất dài dẫn vào nhà nghệ nhân Triệu Thị Nơm có đầy bụi mờ mùa khô, thì các chị, các mẹ vẫn vẹn nguyên niềm háo hức, rộn ràng mỗi khi đến lớp. Chị Hoàng Thị Nhung (45 tuổi, thôn Konpang) cười tươi bảo: “Mình cứ từ từ, cố gắng tập luyện thì sẽ hát hay, đàn giỏi được như các cô thôi, miễn sao mình có đam mê làm động lực và may mắn khi được các cô chỉ dạy từng chút một”.

Say mê với những điệu hát then, đàn tính từ khi còn là cô gái 16, 17 tuổi, nghệ nhân Triệu Thị Nơm lúc đó phải đợi chương trình trên đài phát thanh hàng ngày để mày mò tự học từng nốt nhạc, rồi trở thành người nổi tiếng hát hay, đàn giỏi như bây giờ. “Nay thấy các em, các cháu đam mê thì mình rất vui và tự hào, sẵn sàng chỉ dạy từng câu hát, từng nốt nhạc. Bây giờ các em mới học, có thể chưa hát hay, đàn giỏi, nhưng tôi sẽ cố gắng luyện tập để đến một ngày, các em sẽ luyến láy mượt mà và tiếng đàn thật trong veo để tiếp nối cho thế hệ chúng tôi”, nghệ nhân tâm sự.

“SỢI CHỈ” NỐI GẦN QUÊ HƯƠNG 

Xã Tân Thanh có đến 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, có khá đông bà con dân tộc từ phía Bắc vào xây dựng kinh tế mới như Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường... Cùng với sự phát triển của đời sống sau những ngày đầu gian khó trên quê hương thứ hai, năm 2017, CLB Đàn tính, hát then xã Tân Thanh được thành lập, gói ghém hết thảy nỗi nhớ nhung, yêu thương của những người con dân tộc Tày, Nùng từ mảnh đất Cao Bằng, Lai Châu vào Nam lập nghiệp.

Bản thân chủ nhiệm CLB - nghệ nhân Triệu Thị Sa đã có hơn 30 năm gắn bó với công tác giáo dục trên quê hương mới. 30 mùa xuân đó, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha vẫn chưa bao giờ nguôi. Cô chia sẻ rằng, mỗi lần điệu đàn tính, hát then vang lên lại giúp cô được an ủi tâm hồn và nguôi đi phần nào nỗi nhớ, như cảm thấy mình vẫn đang ở rất gần quê nhà.

CLB ra đời từ tình yêu quê hương, nên được duy trì cũng bằng tình yêu tha thiết đó. Từ trang phục, nhạc cụ,... đều được các thành viên tự trang bị cho mình một cách chỉn chu nhất. Mới đây, cùng với việc mở lớp học truyền dạy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã có quyết định hỗ trợ 50 triệu đồng cho CLB Đàn tính, hát then xã Tân Thanh tiếp tục đầu tư và phát triển. CLB hiện có 18 thành viên. Niềm vui của các thành viên không chỉ là được giới thiệu văn hóa truyền thống nhân dịp lễ, tết tại địa phương, mà còn được tham gia biểu diễn, giao lưu ở trong và ngoài tỉnh. Mới đây, tại Liên hoan các CLB dân ca, dân vũ, nhạc cổ truyền lần thứ IV do Nhà Văn hóa Lao động tỉnh tổ chức, tác phẩm Lâm Đồng yêu dấu của CLB Hát then, đàn tính xã Tân Thanh cũng là 1 trong 10 tác phẩm đoạt giải A và là 1 trong 3 đơn vị đoạt giải Khuyến khích toàn đoàn của Liên hoan.

Ông Trần Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết: “Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đàn tính, hát then đã thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa, trở thành món ăn tinh thần độc đáo không thể thiếu của người dân nơi đây. Địa phương cũng luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người dân các dân tộc tiếp tục hình thành các CLB, đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở; phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ tại xã Tân Thanh ngày một phát triển”.

Theo bà Chế Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà, việc tổ chức lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho các học viên xã Tân Thanh nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số tại huyện Lâm Hà. Điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn khi xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ làm lực lượng kế cận trong việc bảo tồn và khôi phục các hoạt động văn hóa truyền thống; kết hợp hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại, góp phần đa dạng, phong phú nội dung hoạt động của hệ thống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân.