Các thế hệ đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Di Linh luôn tự hào và vinh dự vì mình đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cũng bởi vậy, họ là những nhân tố đã và đang nỗ lực để phát huy tốt nhất vai trò, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.
Bài 1: Đảng viên đi trước
Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa huyện Di Linh, những năm trước nhếch nhác, nghèo nàn, nhờ đảng viên với vai trò tiên phong làm kinh tế, tham gia hiến đất làm đường,… bộ mặt nông thôn đã dần thay da đổi thịt.
Bộ mặt nông thôn của Di Linh thay đổi nhờ lực lượng đảng viên đi đầu gương mẫu trong các phong trào |
• TIÊN PHONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Thời gian qua, giá cà phê bấp bênh đã phần nào làm ảnh hưởng tới thu nhập của người dân Đinh Trang Thượng. Thêm vào đó, các loại cây trồng quen thuộc như lúa nước, đậu, bắp… năng suất không cao cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bà con. Thực tế đó, đặt Đinh Trang Thượng vào việc cần phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Anh K’Đức - Bí thư Chi bộ Thôn 2 là người đi đầu trong việc chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang trồng rau màu. Qua đó, đầu năm 2021, gia đình anh đã mạnh dạn phá bỏ 2 sào cà phê, chuyển sang trồng loại cây ngắn ngày này. Thời điểm mới bắt đầu còn gặp một số khó khăn về kỹ thuật canh tác và chăm sóc, nhưng qua 2 năm, anh đã nắm vững kỹ thuật và đến nay 2 sào cà chua của gia đình tạo ra hiệu quả kinh tế với giá trị bình quân trên 250 triệu đồng/1 năm. Cùng với đó, trên diện tích 1,2 ha đất canh tác, anh đã tái canh cây cà phê và trồng xen cây ăn trái. Anh K’Đức cho biết, nhờ chịu học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã giúp đời sống gia đình ổn định, có của ăn của để, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Nếp nghĩ, cách làm cũ đã ăn sâu vào người dân nên để bà con làm theo, anh phải là người tiên phong làm trước, thấy hiệu quả kinh tế cao, bà con mới bắt đầu học dần và làm. Hiện nay, diện tích chuyển trồng rau màu của không chỉ Thôn 2 mà cả xã Đinh Trang Thượng ngày càng mở rộng. Theo đó, địa phương đã chuyển đổi được hơn 25 ha cà phê già cỗi sang trồng rau, củ, quả và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hiệu quả, bền vững.
Bí thư Chi bộ tổ dân phố K’Ming (thị trấn Di Linh) - ông Đong Dor Sinh cũng là người đầu tiên trồng giống lúa mới ST 25 tại địa phương. Ông Sinh cho biết: “Với vai trò là một đảng viên và là Bí thư Chi bộ, bản thân luôn phát huy vai trò gương mẫu và đi đầu trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động bà con ổn định đời sống, lao động sản xuất. Do vậy, khi Nhà nước vận động trồng giống lúa mới hiệu quả cao, tôi đã chuyển đổi 1 ha. Mình làm được thì Nhân dân mới tin tưởng mà làm theo, đến nay, hiệu quả mà giống lúa ST 25 mang lại đã giúp bà con thay đổi nhận thức, làm lúa không chỉ để ăn hàng ngày mà còn trở thành hàng hoá”.
Còn đối với anh K’Brao - Bí thư Chi bộ thôn Hàng Ùng, là một cán bộ khuyến nông của xã Bảo Thuận, anh thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con tham gia chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, xóm. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao đã xuất hiện tại địa phương như Mô hình Chăn nuôi dê của hộ ông Yang Kar Nhàng tại thôn Kala Krọt, tổng đàn trên 35 con sinh sản; Mô hình Trồng xen cây sầu riêng trên diện tích cà phê tái canh của hộ ông K’Đin thực hiện tại thôn TaLy với diện tích 1 ha…
Đảng viên người đồng bào DTTS tiên phong phát triển kinh tế |
• ĐỜI SỐNG BÀ CON DẦN THAY ĐỔI
Do xuất phát điểm thấp nên những năm đầu bắt tay xây dựng nông thôn mới, Sơn Điền gặp không ít khó khăn, thách thức. Phát triển kinh tế của xã đều tập trung vào hoạt động nông nghiệp nhưng lại khá manh mún và nhỏ lẻ, không có điểm nhấn. Công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được xã quan tâm. Ông K’Hồng - Trưởng thôn Con Sỏ (xã Sơn Điền) là một trong những đảng viên năng nổ, nhiệt tình đi đầu trong các phong trào địa phương. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ để khơi dậy được phong trào tại địa phương, trước hết từng đảng viên phải thông suốt, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, vừa tuyên truyền, vừa làm gương cho người dân. Bản thân là trưởng thôn nên tôi đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường, bên cạnh đó tôi cũng là người đi đầu trong phát triển kinh tế với cửa hàng tạp hoá, xe chở nông sản, vườn cà phê trồng xen cây ăn quả... từ ý thức của mình nhân lên ý thức của cộng đồng”.
Ông K’Xuân - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền cho biết, từ những nhân tố đi đầu là những đảng viên, từng người dân dần hiểu được ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động kinh tế và mô hình sản xuất đã giúp đời sống của người dân địa phương liên tục tăng. Với 171 ha canh tác lúa nước, địa phương đã triển khai trồng giống lúa ST 25 cho năng suất cao. Những vườn cà phê già cỗi cũng được vận động tái canh và trồng xen các loại cây có giá trị cao như mắc ca, sầu riêng… cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Đáng nói, nhiều hộ dân trong xã đã tận dụng lợi thế đất đai rộng rãi để phát triển mạnh hoạt động nuôi heo rừng lai, nâng cao thu nhập cho gia đình. Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở xã năm 2022, đạt trên 41 triệu đồng/người.
Tại xã Tân Lâm, những năm gần đây, người đồng bào DTTS đã không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà rất năng động trong phát triển kinh tế, bà con đã biết học hỏi kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào vườn của mình, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Những ngôi nhà 2 - 3 tầng mọc san sát, giao thông được cứng hóa khang trang là minh chứng cho sự thay đổi trong đời sống kinh tế của các hộ đồng bào DTTS. Đến nay, trên địa bàn xã Tân Lâm số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn 23 hộ, chiếm 2,8%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của toàn huyện.
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh khẳng định, trong những năm qua, đặc biệt từ khi thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đội ngũ đảng viên trong vùng đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò trong việc vận động bà con thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia thực hiện Cuộc vận động Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh như: Vận động xóa bỏ các phong tục không còn phù hợp, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; vận động con em ra trường, ra lớp; tuyên truyền vận động gia đình và quần chúng Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, nhận thức của người dân trong vùng đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên, từng bước chủ động trong đầu tư, sản xuất, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được hình thành và nhân rộng…
Chính từ những chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đến sự gương mẫu, đi đầu của hàng trăm đảng viên người đồng bào DTTS… đã khơi dậy nội lực trong Nhân dân, vì vậy đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng nâng cao.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin