Huyện Đơn Dương hiện có tổng diện tích tự nhiên là 61.185,2 ha; trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 40.836 ha, rừng phòng hộ là 17.192 ha, rừng sản xuất 23.644 ha. Độ che phủ rừng năm 2022 đạt tỷ lệ 59,5%. Trên địa bàn huyện hiện có 2 đơn vị chủ rừng nhà nước là Ban Quản lý Rừng phòng hộ D’ran và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương và 19 dự án thuê đất để đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp với tổng diện tích là 4.866 ha.
Lực lượng kiểm lâm huyện Đơn Dương và các hộ nhận khoán trao đổi công việc tại một cánh rừng nằm sát khu dân cư thuộc xã Lạc Lâm |
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương, căn cứ Quyết định 268/QĐ-UBND ngày 7/3/2023 của UBND huyện Đơn Dương về việc phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp và công bố hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương năm 2022; tổng diện tích đất có rừng hiện là 36.405,72 ha, trong đó diện tích khoán bảo vệ rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2022 là 19.612,82 ha gồm 2 chủ rừng nhà nước và 4 doanh nghiệp ngoài nhà nước là Công ty TNHH Acteam; Công ty Hiếu Hóa, Công ty La Ba, Công ty Ba Lê đang thực hiện khoán cho 698 hộ, trong đó có 323 hộ người kinh; 375 hộ dân tộc thiểu số và 3 tập thể là lực lượng vũ trang các xã, thị trấn, chiếm tỷ lệ 54%; còn lại là khoán bảo vệ rừng theo nguồn vốn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 6.240,96 ha diện tích đất chưa có rừng; 171,44 ha diện tích rừng trồng chưa thành rừng; 316,39 ha diện tích khoanh nuôi tái sinh và 5.753,13 ha diện tích đất bao gồm đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân trên đất lâm nghiệp, đất khác trong lâm nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn hiện có 6 đơn vị thực hiện giao khoán bảo vệ rừng gồm Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương; Ban Quản lý Rừng phòng hộ D’ran; Công ty Acteam International; Công ty Hiếu Hóa; Công ty TNHH La Ba, Công ty Ba Lê. Tổng diện tích đã giao khoán là 19.612,82 ha, giao cho 698 hộ gia đình và 3 tập thể lực lượng vũ trang các xã, thị trấn.
Anh K’Ngoan Mrang, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương cho biết: Gia đình anh đã được giao khoán quản lý bảo vệ rừng được gần chục năm nay. Mỗi tuần, theo lịch phân công anh sẽ cùng với một số hộ nhận khoán và cán bộ kiểm lâm luân phiên trực và tổ chức đi tuần tra bảo vệ rừng. Bà con nhận khoán bây giờ đa phần đều có ý thức trách nhiệm với phần rừng mình được giao và có tinh thần trách nhiệm tham gia thực hiện quản lý, bảo vệ rừng rất tốt nên trong thời gian vừa qua, tình hình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tôi cơ bản ổn định.
Đánh giá của Hạt Kiểm Lâm huyện Đơn Dương, năm 2022, với đơn giá chi trả DVMTR là 783.000 đồng/ha, thì trung bình thu nhập của các hộ nhận khoán đạt 22 triệu đồng/năm. Số tiền này tuy không lớn nhưng cũng đã tạo điều kiện thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc, hộ người Kinh nghèo thiếu đất, hộ sống bằng nghề rừng đảm bảo trang trải cuộc sống và giúp ổn định trật tự xã hội trên địa bàn huyện.
Điều đáng ghi nhận và mang ý nghĩa lớn hơn của chính sách này đó là đã góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng. Thông qua các hoạt động chi trả DVMTR, cơ bản người dân đã có ý thức hơn trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Qua đó giúp giảm đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh về cả số vụ và mức độ thiệt hại.
Bên cạnh đó, về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội thì chính sách chi trả DVMTR còn tạo động lực, thúc đẩy các bên liên quan tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Thông qua chính sách, đã tạo ra mối liên kết mang tính bền vững giữa người sử dụng và người cung ứng DVMTR. Các chủ rừng, người bảo vệ rừng hiểu được giá trị DVMTR, thấy được trách nhiệm và quyền lợi của việc cung ứng dịch vụ giúp cho người dân yên tâm gắn bó với rừng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Quốc Thái Bình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương cho biết: “Việc chi trả tiền DVMTR thời gian qua cũng đã trực tiếp giúp địa phương có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng được hưởng toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR vì vậy về cơ bản đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng ở các khu vực, địa phương có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện”.
Từ những kết quả thực tiễn đã minh chứng cho thấy, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ gắn bó với rừng. Chính sách chi trả DVMTR có tác động rất lớn trong việc cải thiện đời sống của người dân, từ đó giúp ổn định an ninh, chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đơn Dương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin