Mục tiêu năm 2023, Lâm Đồng duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Thực hiện Cuộc vận động Mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; sàng lọc trước và sau sinh; tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn; bình đẳng giới.
Bác sĩ tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ tại Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà (Lâm Hà) |
• KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC DÂN SỐ
Lâm Đồng có tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,14% giai đoạn 2015-2022 đã giảm xuống 1,02% năm 2022. Dân số trung bình năm 2022 là 1.332.235 người (dân số thời điểm tổng điều tra dân số 1/4/2019 là 1.296.906 người), dân số tăng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là 8.129 người/năm.
Trong giai đoạn 2019 - 2022, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân hàng năm tăng 0,96%. Năm 2022, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 15,4%. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong suốt cả cuộc đời (tổng tỷ suất sinh) đã giảm từ 2,34 con/phụ nữ năm 2011 xuống còn 2,1 con/phụ nữ năm 2022, đạt mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh.
Khoảng cách về mức sinh giữa các khu vực thành thị, nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh được thu hẹp rõ rệt. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh giảm dần, từ 1,45% (năm 2011) xuống còn 1,0 % (năm 2022). Tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 110, năm 2022 là 108.
• NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Tập trung triển khai Nghị quyết số 21- NQ/TW Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Kế hoạch 51-KH/TU ngày 16/4/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW; Kế hoạch hành động Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lâm Đồng. Triển khai Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 tỉnh Lâm Đồng; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2021 - 3030 trên địa bàn tỉnh; Chương trình Truyền thông dân số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030.
Ông Vũ Văn Hoan - Phó Chi cục Dân số -KHHGĐ tỉnh cho biết: Đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ sở tôn giáo, chức sắc, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền các giáo dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Chuyển trọng tâm chính sách từ Dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW. Trong đó, tập trung giải quyết toàn diện đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030); tận dụng hiệu quả dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số (sàng lọc trước và sau sinh…).
Đồng thời, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các cơ quan thuộc UBND, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tôn giáo… cùng tuyên truyền tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
• CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH
Nghị định số 20/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số quy định những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con bao gồm: Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận. Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh (quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện còn đang sống). Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
• QUY ĐỊNH XỬ PHẠT
Đối với cán bộ, công chức, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên được quy định tại Quyết định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 về vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm quy định các tổ chức căn cứ thi hành. Đối với Nhân dân thực hiện theo các quy định của thôn, khu phố, tổ dân phố, hương ước, quy ước được Nhân dân quy định, nhưng không được trái với các quy định của Đảng và Nhà nước, phù hợp phong tục, truyền thống địa phương. Đối với người dân vẫn là biện pháp tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin