Để hạn chế tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc 

AN NHIÊN 00:45, 07/03/2023

Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 của Bộ Y tế tổ chức, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tham luận về kết quả đạt được trong lĩnh vực y tế của tỉnh, đồng thời, nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan. 

Các y, bác sỹ tập trung cứu chữa cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực -Chống độc (BVĐK Lâm Đồng)
Các y, bác sỹ tập trung cứu chữa cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực -Chống độc (BVĐK Lâm Đồng)

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 128.215 trường hợp mắc COVID-19. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tốt. Tính đến hết ngày 31/12/2022, tỉnh Lâm Đồng đã nhận 4.172.558 liều vắc xin, đã tiêm 4.219.037 liều (đạt tỷ lệ 101,1%). Tỷ lệ bao phủ vắc xin trên dân số mũi 2 đạt 91,20%; tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 4 đạt 95,2%; tỷ lệ bao phủ vắc xin trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mũi 3 đạt 94,2% và tỷ lệ bao phủ vắc xin trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi mũi 2 đạt 95,6%.

Nhằm duy trì thành quả đạt được của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động lĩnh vực y tế dự phòng - dân số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và bảo đảm kinh phí thực hiện từ nguồn chi thường xuyên hàng năm của tỉnh. Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đạt kết quả các chỉ tiêu cơ bản lĩnh vực y tế dự phòng - dân số như: tỷ số giới tính khi sinh 108 số bé trai/100 số bé gái (toàn quốc không đạt chỉ tiêu này); tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống 37,09; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống 4,0; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống 5,6; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 10,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi 15,6%.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm công tác cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân địa phương. Năm 2022, tổng số lượt khám bệnh là 1.863.927 tăng 4,6% so với năm 2021; tổng số ngày điều trị nội trú là 925.275 tăng 4,5% so với năm 2021. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các sơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh có xu hướng tăng qua các năm; tỷ lệ hài lòng người bệnh ngoại trú tăng từ 83,1% (năm 2018) lên 95,6% (năm 2022); tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng từ 90,1% (năm 2018) lên 96,7% (năm 2022).

Tuy nhiên, các chỉ số đầu vào của hệ thống y tế Lâm Đồng còn thấp so với mức trung bình của quốc gia như: số giường bệnh/vạn dân 20,52 (toàn quốc 29,5); số bác sỹ/vạn dân 8,22 (toàn quốc 11,5); số dược sỹ đại học/vạn dân 1,31 (toàn quốc 3,1). Tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế đang có xu hướng gia tăng những năm gần đây, năm 2020: 82 người; năm 2021: 102 người; năm 2022: 103 người; đặc biệt là đội ngũ bác sỹ (trong 3 năm có 67 bác sỹ nghỉ việc). Tỉ lệ hài lòng của nhân viên y tế đối với công việc đạt thấp và có xu hướng giảm từ 88,9% (năm 2021) xuống 86,7% (năm 2022). Các vấn đề nhân viên y tế không hài lòng tập trung vào các yếu tố: tiền lương, phụ cấp và phúc lợi, áp lực công việc (thời gian trực, khối lượng công việc được giao…).

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trẻ em dưới 1 tuổi đạt thấp 75,6% (kế hoạch từ 95% trở lên). Phần mềm dùng chung của trạm y tế chưa hoàn thiện, chưa tích hợp vào 1 nền tảng duy nhất theo Quyết định 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ngành Y tế tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chương trình Phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế và các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai các hoạt động y tế dự phòng - dân số theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tập trung phát triển kỹ thuật cao; duy trì và nâng cao công tác cải tiến chất lượng bệnh viện hướng đến hài lòng người bệnh. Đầu tư phát triển về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực song song với hoàn thiện hệ thống y tế tại địa phương.

Một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương bao gồm: Nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, thâm niên, chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ ngành Y tế… phù hợp với vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, bảo đảm đời sống… để hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc của nhân viên y tế.

Tiếp tục công tác đào tạo đặt hàng theo nhu cầu địa phương đối với bác sỹ (năm 2022 đã dừng việc đào tạo theo hình thức này theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non).

Bộ Y tế sớm ban hành danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh thay thế Thông tư 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013, Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế và hướng dẫn nội dung về tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe để các địa phương thực hiện nhằm đạt các chỉ tiêu tại Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đến năm 2025: 100% số trạm y tế xã thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% Trung tâm Y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe. Vì danh mục kỹ thuật tuyến xã là 1.149 kỹ thuật, tuyến huyện là 4.516 kỹ thuật, rất khó để thực hiện đạt tỷ lệ theo quy định hiện hành.

Bộ Y tế sớm thực hiện việc tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào của giá dịch vụ khám, chữa bệnh để đảm bảo cho các cơ sở khám, chữa bệnh có nguồn thu thực hiện tự chủ tài chính.