Đề xuất xử lý vận tải khách không đúng hình thức quy định

NGUYỄN NGHĨA 04:20, 13/03/2023

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra xử lý đối với hành vi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lâm Đồng đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, đề xuất một số vấn đề cần giải quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải khách.

Hoạt động vận tải khách ở Đơn Dương
Hoạt động vận tải khách ở Đơn Dương

Thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng “trá hình” (xe có phù hiệu xe hợp đồng kinh doanh vận chuyển khách không đúng theo hình thức quy định) gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau như: các đơn vị vận tải, nhà xe dùng nhiều biện pháp để đối phó lực lượng thanh kiểm tra; sự thiếu quyết liệt và đồng bộ của các lực lượng chức năng và của các địa phương... Tuy nhiên, qua thực tế triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, theo Sở GTVT Lâm Đồng thì còn có một số vấn đề bất cập trong các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 và Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ chưa có quy định xử lý hành vi “kinh doanh không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký theo phù hiệu được cấp”, vì vậy chưa có biện pháp chế tài để xử lý đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe kinh doanh vận tải không đúng hình thức đăng ký. Một số hành vi vi phạm trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP rất khó để thực hiện việc xác định lỗi vi phạm để xử lý như không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển khách tới Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định” nêu tại điểm o, khoản 4, Điều 28 nên rất khó để kiểm tra nhất là đối với các xe do Sở GTVT ở tỉnh khác quản lý. Bên cạnh đó, các hành vi như “gom khách”, “bán vé”, “ấn định hành trình, lịch trình cố định” tại điểm n, khoản 5, Điều 23 và điểm p, khoản 4, Điều 28 là những khái niệm chưa thật sự rõ ràng, chặt chẽ để làm cơ sở xử lý.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, Sở GTVT Lâm Đồng đề nghị bổ sung các hành vi và biện pháp xử phạt. Theo đó, Sở GTVT kiến nghị, đối với hành vi vi phạm “kinh doanh không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký theo phù hiệu được cấp” và chỉ liệt kê một số nội dung rõ ràng, dễ xác định lỗi vi phạm để xử lý. Cụ thể như đối với xe có phù hiệu xe hợp đồng, biển hiệu xe du lịch như: Lái xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển khách theo hợp đồng mà không xuất trình được hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo quy định; chở khách trên xe mà khách không có tên trong danh sách hành khách, khách không thuộc tổ chức của người đại diện ký hợp đồng (trừ xe hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên đi học, đi làm việc). Tương tự, đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng, du lịch mà công bố thông tin giá cước/hành khách, lịch trình, điểm đầu cuối dưới các hình thức như đăng tải trên mạng, dán thông cáo, phát tờ rơi, in trên thẻ...” hay đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng, du lịch ký kết hợp đồng với bên thuê vận chuyển mà đại diện bên thuê vận chuyển không có thật hoặc là người đi xe nhưng không có nhu cầu thuê cả chuyến xe.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề nghị bổ sung thêm biện pháp xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng phù hiệu, biển hiệu; giấy phép kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, du lịch từ 3 tháng đến 6 tháng” đối với xe hoặc đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, du lịch bị xử lý vi phạm lần 2 về “kinh doanh không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký theo phù hiệu được cấp”.

Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu các Sở GTVT kiểm soát chặt chẽ việc thu phí, giá dịch vụ xe ra vào bến để đảm bảo chi phí xe ra, vào hợp lý cho đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định và đề nghị Chính phủ cho áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% đối với loại hình kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định để tạo thuận lợi cho loại hình này hoạt động.