Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô, các cán bộ kiểm lâm huyện Đơn Dương cho biết: công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn huyện đang được đặt ở mức cảnh báo rất cao. Bởi cứ vào tháng 2 hàng năm, vùng này lại bắt đầu bước vào mùa khô, cái nắng và nóng gay gắt kéo dài cho đến hết tháng 4. Thời điểm này, lượng mưa trong vùng luôn ở mức rất thấp, vì vậy đối với những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng, việc canh chừng “giặc lửa” luôn phải thường trực 24/24.
Chủ rừng và các thành viên tổ nhận khoán tổ chức thu dọn thực bì phòng cháy rừng mùa khô |
Ở Đơn Dương, rừng chủ yếu là rừng thông và có lớp thực bì dày. Vùng này xưa nay vẫn nổi tiếng là cực kì khô hanh vào mùa khô nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Theo giải thích của các cán bộ kiểm lâm, vì đây cũng là giai đoạn các loại cây tạp ven rừng, ven rẫy và dưới rừng thay lá, cỏ thì khô nên nếu không cẩn thận, chỉ cần một sơ suất rất nhỏ do vô ý của bà con sống hoặc canh tác ruộng vườn ven rừng, gần rừng thôi cũng có thể tạo thành những đám cháy lớn. Vì vậy mà công tác PCCCR mùa khô của huyện luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Hàng năm, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, UBND huyện đều kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững về thực hiện công tác PCCCR mùa khô và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và các thành viên từ cấp huyện đến xã; bố trí lực lượng trực cháy 24/24 giờ để kịp thời phát hiện đám/điểm cháy rừng, từ đó có thể chủ động trong công tác chữa cháy nếu có đám cháy xảy ra.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Hạt Kiểm lâm và các lực lượng bảo vệ rừng ở nhiều địa phương ngay từ đầu năm đều xây dựng phương án PCCCR và đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng; trong đó, có cả các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sống gần rừng và cộng đồng đối với tác hại của cháy rừng. Với phương châm, phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả; thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ đó là: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Hạt Kiểm lâm cũng đã xây dựng các tổ, đội trực tuần tra chữa cháy rừng, chuẩn bị tốt về nhân lực, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy ở từng cấp để chủ động và kịp thời dập tắt các điểm cháy rừng nếu xảy ra trên địa bàn, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về con người, tài sản và tài nguyên rừng do cháy rừng gây ra.
Ngoài ra, vào những ngày mùa khô này, Hạt Kiểm lâm thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm dễ cháy, và các nhiệm vụ về PCCCR được Ban Chỉ đạo giao để đảm bảo để thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức rà soát, xác định các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao để lập kế hoạch và có phương án PCCCR cụ thể, chi tiết. Các cán bộ kiểm lâm cũng cho biết, để tăng tính răn đe, trong giai đoạn mùa khô, trên địa bàn huyện Đơn Dương đang thực hiện nghiêm cấm tất cả các hành vi đốt nương, làm rẫy, đốt dọn thực bì để trồng rừng, sử dụng lửa trong rừng và gần rừng, nếu phát hiện sẽ bị xử lý và xử phạt nghiêm.
Chia sẻ với chúng tôi về công tác PCCCR trên địa bàn, một cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ D’ran cho biết: Nếu những năm trước đây, huyện thường tổ chức đốt thực bì có kiểm soát để phòng cháy rừng; thì nay, thực hiện nghiêm theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng là không được đốt thực bì kể từ mùa khô 2022 - 2023, thì các đơn vị chủ rừng, các tổ quản lý rừng trên địa bàn huyện từ đầu mùa khô đã thay đổi phương pháp bằng cách tổ chức thu dọn thực bì ở những nơi có nguy cơ cháy rừng cao để phòng cháy rừng. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức trong việc PCCCR, các đơn vị chủ rừng còn thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR và tác hại do cháy rừng gây ra trên địa bàn các xã, thị trấn, đặc biệt là ở những thôn, xã có đông bà con dân tộc thiểu số sống gần rừng. Không chỉ vậy, Hạt Kiểm lâm với vai trò là đơn vị thường trực cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc các điểm trực gác phòng cháy và các công trình PCCCR của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn nên công tác PCCCR trên địa bàn huyện có thể nói là đã khá nền nếp và vào mùa khô luôn được đặt trong tình trạng chủ động và cảnh giác cao độ.
Được biết, mùa khô năm 2021 - 2022, cũng nhờ làm tốt công tác BVR, PCCCR, tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp thuê rừng xây dựng và kiểm tra cũng như có ý kiến tham gia về kỹ thuật vào các phương án PCCCR… nên công tác PCCCR của huyện đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, mùa khô 2021 - 2022, ở Đơn Dương chỉ xảy ra một số điểm cháy nhỏ, cháy dưới tán rừng, cháy thảm cỏ nhưng đều được phát hiện kịp thời, dập tắt kịp thời nên không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin