Đức Trọng: Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

HOÀNG SA 06:13, 03/03/2023

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã và đang được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền huyện Đức Trọng quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Diện tích rừng và độ che phủ rừng được giữ vững; việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Các đơn vị chức năng huyện Đức Trọng tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng tại các khu vực giáp ranh xã Tà Năng
Các đơn vị chức năng huyện Đức Trọng tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng tại các khu vực giáp ranh xã Tà Năng

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, hiện nay, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn là 40.170 ha, chiếm tỷ lệ 44,45% diện tích tự nhiên, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 31,9%. Trên địa bàn huyện đang có 3 đơn vị chủ rừng nhà nước gồm: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Năng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và 28 đơn vị chủ rừng ngoài Nhà nước được giao, cho thuê đất để thực hiện dự án với tổng diện tích là 5.722,83 ha.

Ông Nguyễn Văn Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết: Trong năm 2022, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Đức Trọng, công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp được các đơn vị, ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Riêng trong năm 2022, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành hơn 600 văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, đất đai. 

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đơn vị chủ rừng và người dân, trong năm 2022, trên địa bàn huyện Đức Trọng đã không xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 34 vụ so với cùng kỳ (tương đương 53,1%); lâm sản thiệt hại do khai thác rừng trái pháp luật giảm 8,369 m3 so với cùng kỳ; diện tích phá rừng giảm 6.443 m2, lâm sản thiệt hại do phá rừng đã giảm 21,327 m3 so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương để xử lý tình trạng nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp. Đến nay, huyện Đức Trọng đã xử lý tháo dỡ 18/27 công trình, với tổng diện tích 24.623 m2; lập hồ sơ xử lý 9 công trình/9.855 m2. Đồng thời, tiến hành giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm với tổng diện tích là 41,813 ha; tháo dỡ 973 m hàng rào dây kẽm gai, nhổ bỏ 45 trụ sắt, 15 trụ gỗ và 226 trụ bê tông, phá bỏ 3 nhà chòi xây dựng trái phép…

Song song với công tác tăng cường tuần tra, truy quét nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, công tác phát triển rừng trên địa bàn cũng được các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện. Trong năm 2022, các đơn vị chủ rừng nhà nước đã rà soát, xây dựng phương án trồng rừng với tổng diện tích thực hiện là 39,06 ha. Trong đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh đã trồng rừng thay thế được 13,45 ha, thực hiện trồng rừng khắc phục hậu quả sau phá rừng 4,86 ha, trồng rừng ngoài kế hoạch 3 ha; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Năng trồng rừng thay thế được 16.97/ha, trồng rừng trên đất trống là 8,67 ha.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng đã thực hiện thiết kế và trồng rừng trên diện tích đất trống và trên diện tích đã giải tỏa cây trồng trái phép được 10,13 ha. 

Theo ông Nguyễn Văn Trung, xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và xuyên suốt của các cấp, các ngành và các địa phương, UBND huyện Đức Trọng đã giao Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2025 huyện Đức Trọng tham mưu, chỉ đạo tăng cường phối hợp công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình hình phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; lấn, chiếm đất lâm nghiệp; mua bán, tàng trữ, vận chuyển kinh doanh, chế biến lâm sản trái pháp luật và các hành vi khác xâm hại đến tài nguyên rừng nhằm giữ vững được vốn rừng hiện có trên địa bàn. 

Đặc biệt, đối với các diện tích đất rừng bị lấn chiếm mới trồng cây thì kiên quyết xử lý theo quy định để khôi phục lại rừng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng san gạt mặt bằng trên diện tích đất lâm nghiệp. Các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch trồng lại toàn bộ diện tích đất không có rừng và đất rừng do lấn, chiếm trái pháp luật, nhằm tránh tình trạng người dân tiếp tục xâm lấn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình Trồng 50 triệu cây xanh theo Chỉ thị 45 ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Đức Trọng; tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh đáp đáp ứng các chỉ tiêu, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, huyện đã đề ra.