(LĐ online) - Cao điểm mùa khô trên địa bàn tỉnh bắt đầu khiến nguy cơ cháy thực bì tăng cao. Trong khi đó, theo ghi nhận một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn xử lý thực bì nhằm phòng chống cháy rừng cao điểm mùa khô bằng phương pháp đốt. Việc này làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, cảnh quan và môi trường xung quanh theo khuyến cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Một điểm cháy thực bì tại khu vực rừng thuộc xã Mê Linh (huyện Lâm Hà). Ảnh chụp chiều 4/3 |
Ghi nhận chiều 4/3, tại khu vực rừng thông 3 lá trên địa bàn xã Tà Nung (TP Đà Lạt) và xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) xuất hiện 2 điểm cháy thực bì, khói bốc nghi nghút. Người dân cho biết, từ đầu tháng 1 tới nay, quanh khu vực nêu trên thường xuất hiện các đám cháy thực bì trên diện rộng.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 1 tới nay ghi nhận gần 10 vụ cháy thảm thực bì tại các huyện Bảo Lâm, Đức Trọng, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, các vụ cháy rừng về cơ bản đã được khống chế, không gây thiệt hại lớn tới lâm sản, chủ yếu là thông 3 lá.
Cụ thể, vào ngày 24/1, tại tiểu khu 466A (xã Đạm Bri, TP Bảo Lộc) xảy ra 1 vụ cháy thảm thực bì dưới tán rừng thông trồng năm 1984 do Công ty TNHH Hương Bản quản lý. Tổng diện tích bị cháy là 3 ha nhưng không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.
Cũng trong ngày 24/1, tại khoảnh 7, tiểu khu 670 (địa giới hành chính xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng), lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý với diện tích rừng bị cháy 3.500 m2 là thảm cỏ, cây bụi dưới tán rừng. Nguyên nhân gây cháy chưa xác định.
Tới ngày 10/2, tại núi Đại Bình thuộc địa phận xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc) cũng xảy ra vụ cháy rừng trên diện rộng. Vụ cháy xảy ra tại tiểu khu 478, xã Lộc Châu nhưng may mắn lửa chỉ cháy cỏ và cây bụi, về cơ bản không gây thiệt hại đối với lâm sản.
Còn gần đây nhất vào đêm 1/3, một vụ cháy thực bì lớn dưới tán rừng thông xảy ngay cạnh thắng cảnh Thung lũng Tình yêu (Phường 8, TP Đà Lạt). Đám cháy phát tán khói bụi làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, kinh doanh của các khách sạn và nhà dân xung quanh.
Trước đó, theo chỉ đạo bằng văn bản hoả tốc của UBND tỉnh (ngày 16/1), các đơn vị, địa phương phải ngừng việc xử lý thực bì bằng cách đốt vào mùa khô 2022 - 2023 trên địa bàn toàn tỉnh. Thay vì xử lý thực bì theo hình thức châm lửa đốt cháy lớp cỏ, cây bụi tầng thấp như trước đây, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã cắt cử lực lượng túc trực 24/24h để chủ động phát hiện, kịp thời triển khai lực lượng dập tắt đám cháy khi mới xảy ra cháy rừng. Cùng với đó là việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống cháy rừng mùa khô...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin