Ông Giàng Seo Mào mở lối thoát nghèo cho đồng bào Mông

LAM PHƯƠNG 02:58, 01/03/2023

Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đói nghèo luôn đeo đẳng, nên năm 2002, ông Giàng Seo Mào cùng bà con dân tộc Mông trong vùng quyết định rời quê hương Lào Cai vào Thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông xây dựng kinh tế mới, tìm nơi an cư, lạc nghiệp. 

Ông Giàng Seo Mào định hướng giúp bà con trong bản đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập
Ông Giàng Seo Mào định hướng giúp bà con trong bản đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập

Ông Giàng Seo Mào bày tỏ, những ngày đầu đặt chân đến vùng quê mới, cuộc sống của bà con gặp rất nhiều gian nan, vất vả, nên nhiều hộ phải bỏ đi các địa phương khác. Với vai trò là trưởng bản, ông cùng Ban Nhân dân thôn luôn trăn trở, loay hoay với bài toán trồng cây gì và nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế, giúp ổn định tư tưởng, đời sống của đồng bào Mông. “Qua quá trình đi tìm hướng thoát nghèo cho người dân trong bản, chúng tôi nhận thấy mì là cây trồng phù hợp với vùng đất này. Sau vài năm trồng thử nghiệm và gây giống, đến năm 2006, phong trào trồng mì nơi đây phát triển khá mạnh và thời điểm đó người dân của chúng tôi sống bằng cây mì là chính, nhiều hộ có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm”, ông Giàng Seo Mào nói. 

Khi cuộc sống của người dân trong bản đã có những bước tiến mới, ông Mào cùng cán bộ thôn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài cây cà phê là cây trồng chủ lực, bà con đã kết hợp phát triển đàn trâu, bò, để tận dụng nguồn phân chuồng chăm bón cho cây trồng… 

Ông Giàng Seo Mào chia sẻ: “Trước đây, cây mì là cây trồng để lấy ngắn nuôi dài giúp bà con trong bản phát triển trồng cây cà phê và chăn nuôi gia súc. Những năm cao điểm (2007 - 2013), người dân trong bản phát triển lên đến trên 80 con trâu, bò. Với gia đình tôi, hiện tại cũng đã có cuộc sống ổn định, sau khi chia đất đai cho các con ở riêng, đến nay gia đình còn lại 3,5 ha đất canh tác cà phê, với sản lượng đạt từ 4 - 6 tấn cà phê nhân/năm. Ngoài cây cà phê, những năm qua, gia đình tôi cũng đã chú trọng trồng xen cây sầu riêng để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích”. 

Không những là tấm gương vượt khó, gương mẫu làm đầu tàu trong phát triển kinh tế của bản, ông Giàng Seo Mào còn quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, chăm lo tạo điều kiện cho con cái được học hành đến nơi, đến chốn để góp sức xây dựng quê hương…

Với sự gần gũi, nhiệt tình trong công việc, vì cuộc sống cộng đồng, trong những năm qua, ông Giàng Seo Mào luôn được bà con và chính quyền địa phương tin tưởng bầu làm người có uy tín. Với vai trò mới này, ông luôn sâu sát bà con, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, chọn giống cho năng suất và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; sản xuất lúa nước phải triển khai thực hiện tập trung, đồng loạt, đúng thời vụ để hạn chế dịch bệnh, sinh vật gây hại, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao; vận động bà con trong bản xóa bỏ các hủ tục, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng công lao động. Bên cạnh đó, ông Giàng Seo Mào vận động bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới như: hiến đất làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, sửa chữa nhà cửa… Nhờ sự quan tâm của Nhà nước cùng những nỗ lực vượt khó, quyết tâm thoát nghèo, nên đến nay, đồng bào Mông đã có cuộc sống khá ổn định và nhiều khởi sắc. Trong số 181 hộ, 986 nhân khẩu (100% là dân tộc Mông) thì đến nay chỉ còn 27 hộ nghèo và 35 hộ cận nghèo. 

Ông Ha Câu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Rô Men cho biết: “Ông Giàng Seo Mào đã có nhiều năm làm trưởng bản người Mông và nay là người có uy tín của xã, dù ở cương vị nào, ông đều làm tròn trách nhiệm nêu gương trong phát triển kinh tế, cùng các dòng họ trong bản xây dựng quy ước, hương ước để tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện, đặc biệt là Mô hình “3 không” (không rượu bia, không hút thuốc lá, không tệ nạn xã hội)”.