Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

NHẬT MINH 00:48, 07/03/2023

Nhằm hạn chế tối đa và ngăn chặn tình trạng cháy nổ xảy ra, thời gian qua, huyện Đức Trọng đã tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Công an huyện Đức Trọng kiểm tra công tác PCCC tại chợ Liên Nghĩa
Công an huyện Đức Trọng kiểm tra công tác PCCC tại chợ Liên Nghĩa

Là đơn vị chủ lực trong lĩnh vực này, Công an huyện Đức Trọng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của UBND huyện Đức Trọng và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực, tự giác, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH bằng nhiều hình thức phong phú, đa đạng. Từ ngày 15/12/2022 đến nay, đã thực hiện nhiều chuyên mục, phóng sự, clip hướng dẫn, khuyến cáo về PCCC phát trên truyền hình; lắp đặt 250 pano, treo 100 băng rôn, khẩu hiệu; phát hành 1.500 tờ rơi tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử... Ngoài ra, còn tổ chức 3 buổi tuyên truyền trực tiếp với 150 người tham gia; tuyên truyền lồng ghép qua sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố được 3 lượt...

Song song với đó, Công an huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC. Trong năm 2022, đã tiến hành kiểm tra 930 cơ sở thuôc diện quản lý Nhà nước về PCCC. Qua kiểm tra đã phát hiện và ban hành 122 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt là gần 258 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 3 cơ sở, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT đối với 3 cơ sở.

Bên cạnh đó, Công an huyện Đức Trọng đã xây dựng 8 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 3 điểm “Chữa cháy công cộng”. Theo đánh giá, thời gian qua, các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã phát huy tính linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các gia đình, với phương châp lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy. 

Cùng đó, trên địa bàn huyện đã thành lập và kiện toàn được 139 Đội dân phòng. Các lực lượng này thời gian qua đã phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH; thực hiện tốt công tác tuyên truyền kiến thức, pháp luật, các kỹ năng về PCCC và PCCC cho quần chúng Nhân dân, cán bộ công nhân viên và người lao động... tại địa bàn, cơ sở trong phạm vi quản lý.

Với việc triển khai đồng bộ, tích cực các biện pháp trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và CNCH đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ và chấp hành tốt các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ xảy ra góp phần đảm bảo an toàn trong sản xuất, đời sống của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/2/2023, trên địa bàn huyện xảy ra 1 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản là khoảng 85 triệu đồng. So với cùng kỳ các năm trước, đã kiềm chế, kéo giảm số vụ cháy, nổ (cả 3 tiêu chí vế số vụ, số người chết và số người bị thương).

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Công an huyện Đức Trọng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện, đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, nhất là đối với các cơ sở tập trung đông người, có nguy cơ cháy, nổ cao như chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường, cơ sở sản xuất, kho chứa nhiều hàng hóa, vật liệu dễ cháy nổ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... Kiên quyết xử lý, những hành vi vi phạm được phát hiện, tạm đình chỉ, đình chỉ và thu hồi, không cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, cương quyết không để cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH hoạt động. Đồng thời, nâng cao công tác xây dựng Phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia” và “Điểm chữa cháy công cộng”.

Mặt khác, tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC và CNCH, thoát nạn cho người dân; mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH; 100% người làm nhiệm vụ tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải được tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy; 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và chuẩn bị các phương tiện cần thiết sẵn sàng chữa cháy, CNCH tại chỗ, ngay từ cơ sở...