Đà Lạt, thành phố không chỉ nổi tiếng với những ngọn đồi xinh đẹp mà còn là nơi những dòng suối xanh ngày đêm rì rào. Làm sao để giữ gìn nguồn nước quý giá ấy đang là nỗi lo của người Đà Lạt.
Thu gom rác thải tại khu vực hồ Than Thở, TP Đà Lạt |
Ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cung cấp, toàn thành phố có tổng cộng 78 suối chính, suối nhánh chảy qua. Trong đó có 5 suối lớn và 73 suối, nhánh suối đầu nguồn. Căn cứ Quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt có 24 tuyến suối với tổng chiều dài 59.680 m cần phải cắm mốc, tổng số mốc hành lang bảo vệ thiết kế là 564 mốc. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành cắm mốc và đang phối hợp với địa phương kiểm tra mốc giới ngoài thực địa.
Những tuyến suối nổi danh của thành phố, góp phần tạo lập nên danh tiếng của vùng đất cao nguyên xinh đẹp như suối Cam Ly; suối Sào Nam; suối hạ lưu hồ Đa Thiện I, II; suối hạ lưu hồ Chiến Thắng; suối Mai Anh Đào đến Vườn hoa Thành phố… Không chỉ tạo nên vẻ đẹp, nhiều hệ thống suối còn cung cấp nước cho nông dân sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo nên sự thịnh vượng của nông nghiệp thành phố. Trên toàn địa bàn TP Đà Lạt có 11 tuyến suối đã được lập hồ sơ công bố chỉ giới suối gồm: suối Cam Ly; suối Sào Nam; suối Phan Chu Trinh; suối Quang Trung; suối Phạm Hồng Thái; suối hạ lưu hồ Đa Thiện I, II; suối hạ lưu hồ Chiến Thắng; suối từ đường Mai Anh Đào đến Vườn hoa Thành phố; suối Nghệ Tĩnh; suối Vạn Kiếp; suối Đào Duy Từ.
Qua khảo sát thực địa, TP Đà Lạt cho biết, nhiều con suối đang bị ảnh hưởng xấu bởi tác động từ con người. Hiện nay, hành lang chỉ giới của 11 tuyến suối nói trên, một số vị trí bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà ở kiên cố, kết cấu nhà là tường xây gạch, mái lợp tôn. Một số hộ lấn chiếm hành lang chỉ giới suối để làm công trình phụ. Những đoạn suối ở xa trung tâm thành phố, nhiều hộ dân xây dựng nhà kính bằng khung sắt, lợp tấm nilon trong phạm vi hành lang chỉ giới suối. Đa số các đoạn suối có lòng suối nhỏ hẹp, chưa được nạo vét mở rộng mặt cắt suối theo đúng kích thước mặt cắt suối được công bố, bờ suối có nhiều cỏ, rác thải, chưa được phát quang.
Để bảo vệ các con suối, TP Đà Lạt đã tiến hành kiểm tra, nghiệm thu công trình cắm mốc bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn. Công tác đúc, vận chuyển mốc, chôn mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đang tiến hành cắm 564 mốc giới của 24 tuyến sông, suối trên địa bàn Đà Lạt. Thành phố đang tiến hành lập danh sách các hộ dân có công trình xây dựng, công trình dân dụng, nhà kính và diện tích đất đang canh tác nông nghiệp trong phạm vi chỉ giới suối. Tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ công trình vi phạm và tiếp tục rà soát, xử lý các trường hợp không chấp hành theo quy định.
Đặc biệt, với tình trạng các con suối đang bị cỏ mọc, rác thải nhiều gây hẹp dòng chảy, TP Đà Lạt tiến hành phát quang, dọn rác thải. Phát động Ngày Chủ nhật xanh để thực hiện xử lý rác thải, cỏ dại các mương suối nội bộ, các tuyến suối nhánh đầu nguồn. Vận động bà con sống dọc suối chủ động thu gom rác, nhất là các loại rác thải nguy hại sử dụng trong nông nghiệp như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá…, thu gom và xử lý đúng quy định. Như con suối Thái Phiên chảy ngang khu sản xuất Phường 12, hàng tấn rác thải đã được bà con thu gom từ lòng suối trong ngày phát động Phong trào Đổi rác thải lấy quà tặng của Hội Nông dân thành phố. Ông Nguyễn Đức Công - Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt đánh giá, Phong trào Đổi rác thải nguy hại lấy quà tặng đã giúp các con suối giảm bớt nhiều rác và nhất là giảm ô nhiễm nguồn nước từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ bảo vệ các con suối, TP Đà Lạt cũng xác định ngăn ngừa tình trạng nguy hiểm cho con người, đặc biệt là trẻ em, khỏi mối nguy hiểm từ đuối nước. Đối với các công trình hồ dân sinh, các địa phương đã thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các giải pháp phòng, chống đuối nước. Tổ chức cho các hộ dân có ao, hồ trong khuôn viên gia đình hoặc vườn, trại thực hiện ký cam kết và triển khai việc rào chắn, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Đối với các công trình thủy lợi, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Công trình Thủy lợi đã cắm 13 bảng tại các hồ Đất Làng, Cầu Cháy, Xuân Sơn, Lộc Quý, 26/2, Phát Chi, Than Thở, Thái Phiên, Killkout, Tà Nung, Tập đoàn 5 Cam Ly, Vạn Thành 2 và Đa Thiện cảnh báo khu vực nước sâu cấm tắm, bơi lội. Đối với các hồ chưa thực hiện cắm bảng do bồi lắng, nạo vét tiếp tục thực hiện sau khi hoàn thành việc nạo vét.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin