Đức Trọng: Tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Churu

N.MINH 18:33, 25/04/2023

(LĐ online) - Ngày 25/4, tại Nhà văn hóa xã Tà Hine, UBND huyện Đức Trọng tổ chức tái hiện lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Churu. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 2 của huyện Đức Trọng.  

Già làng thành kính khấn Yàng xin các vị thần linh cho dân làng tổ chức lễ hội
Già làng thành kính khấn Yàng xin các vị thần linh cho dân làng tổ chức lễ hội

Mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Theo chu kỳ canh tác của cây lúa, sau khi thu hoạch xong, đồng bào Tây Nguyên thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới, vừa để tạ ơn Yàng và các vị thần linh đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ; đồng thời, cũng là dịp bà con dân làng chung vui hưởng thành quả lao động… Đây là lễ nghi mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo.
Trong Lễ hội Mừng lúa mới khi xưa, lễ được làm ở nhà và diễn ra trong vòng một ngày một đêm. Do tính chất và quy mô của lễ hội nên 10 đến 12 năm dân làng mới tổ chức lễ một lần. Đứng ra tổ chức lễ này là một gia đình đại diện cho cả dòng họ. Các lễ vật chuẩn bị cho lễ gồm 1 con trâu trưởng thành, 2 con gà, 5 nải chuối, 2 ché rượu, 4 quả trứng gà (2 chín, 2 sống), 1 bát gạo, 1 đĩa trầu, 1 bát than và 1 cây nêu dùng để cột trâu.

Các nghệ nhân múa cồng chiêng chào mừng quan khách
Các nghệ nhân múa cồng chiêng chào mừng quan khách

Trong quá trình tổ chức lễ thức còn có đánh cồng chiêng, chơi kèn và múa arya (số người tham gia phải từ 8 đến 20 người, cả nam và nữ đều có thể múa điệu múa này). Trong toàn bộ tiến trình của lễ thức, thầy cúng là người đóng vai trò chính, người trực tiếp liên hệ với các vị thần linh. Bên cạnh thầy cúng, trong suốt quá trình lễ còn có các già làng, những người đại diện cho toàn thể dân làng cũng ngồi xung quanh mâm cúng và tham gia vào tiến trình buổi lễ. Lễ thức được kết thúc bằng nghi lễ xin âm dương, đôi cánh, đôi chân và cái đầu của con gà được thầy cúng hoặc các già làng người Churu sử dụng để tiến hành nghi lễ này.
Chương trình tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới (Uốt bơdai pơhau) của người Churu do các nghệ nhân xã Tà Hine thực hiện và sự tham gia phối hợp các nghi thức của các đội nghệ nhân thôn Tà Hine. Qua đó, các nghi thức của Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Churu đã được tái hiện chân thực và sống động. Theo Ban tổ chức, việc tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới nhằm góp phần quảng bá và thể hiện ý thức giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Churu nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung. Đồng thời, qua lễ phục dựng sẽ là cơ sở để thể nghiệm, đúc kết về nội dung, hình thức tổ chức, hoàn thiện mô hình mẫu về lễ hội của người Churu, làm cơ sở cho các xã, thị trấn tổ chức các lễ hội truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Già làng làm lễ hiến sinh
 
Già làng làm lễ hiến sinh.
Già làng làm lễ hiến sinh.
Các nghệ nhân múa giã gạo trong khi chờ thủ tục hiến sinh chuẩn bị cho phần cúng chín
Các nghệ nhân múa giã gạo trong khi chờ thủ tục hiến sinh chuẩn bị cho phần cúng chín