Các giải pháp gắn kết giữa công tác quản lý, bảo vệ rừng với phát triển sinh kế bền vững được Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Đại Ninh triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và được người dân hưởng ứng.
Tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng kết hợp tuyên truyền nhận biết về các loại sinh vật rừng để quản lý, bảo vệ |
Ban QLRPH Đại Ninh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện Đức Trọng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng khá lớn, trên 18.078 ha, trải rộng ở nhiều địa phương và có địa bàn tương đối phức tạp; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng... diễn biến ngày càng tinh vi, khó lường. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị đã tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực vào rừng. Đặc biệt, công tác giao khoán bảo vệ rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống, đồng thời, tạo động lực để người dân gắn bó với rừng, yêu rừng, ý thức hơn trong việc giữ rừng.
Theo số liệu của Ban QLRPH Đại Ninh cung cấp, hiện, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng bằng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là 6.609 ha. Trong năm 2022, Ban QLRPH Đại Ninh đã ký hợp đồng giao khoán cho 306 hộ, trong đó có 100 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Để quản lý, bảo vệ rừng và giao khoán đất rừng có hiệu quả, đơn vị thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình nhận khoán nâng cao trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ rừng theo đúng hợp đồng nhận khoán.
Chia sẻ với chúng tôi về công tác bảo vệ rừng, anh Phan Thanh Long (thôn Lạc Lâm, xã Phú Hội), Tổ trưởng Tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng số 1, Ban QLRPH Đại Ninh tâm sự: “Tôi là người Đồng Nai, lên Lâm Đồng sinh sống từ năm 1993 và gắn với rừng từ đó. Trước khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tôi cũng đã tham gia công tác bảo vệ rừng, vì sống gần rừng. Từ khi được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản thân tôi và gia đình có thêm động lực để gắn bó với rừng, làm tốt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa với công tác này”.
Anh Long cũng cho biết, hiện, tổ của anh được giao khoán 160 ha, có 7 hộ nhận khoán, trong đó có 1 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các hộ đều ngày càng ý thức cao hơn trong việc bảo vệ rừng bởi gắn liền với việc quản lý, bảo vệ rừng là lợi ích của từng hộ.
Ban QLRPH Đại Ninh, huyện Đức Trọng được giao quản lý trên 18.078 ha, gồm 47 tiểu khu, diện tích rừng trải dài và nằm trên địa bàn của 12 xã, thị trấn, trong đó, nhiều nơi có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Quản lý một địa bàn rộng lớn, trải dài, lại tiếp giáp với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp không ít những khó khăn.
Ông Vương Anh Dũng - Phó Trưởng Ban QLRPH Đại Ninh cho biết: Chương trình giao khoán quản lý, bảo vệ rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng được triển khai tại Ban trong thời gian qua là giải pháp hữu hiệu góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào sống gần rừng. Ngoài nguồn thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập đáng kể, từ đó giúp họ cải thiện cuộc sống và gắn bó hơn với rừng, vì vậy mà quyết tâm bảo vệ rừng cũng cao hơn, tốt hơn.
Có thể nói rằng, việc bảo vệ tài nguyên rừng không phải là câu chuyện một sớm, một chiều hay chỉ riêng của đơn vị quản lý trực tiếp mà trước tình hình phức tạp hiện nay, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vì vậy đã ít nhiều có tác động tích cực, giúp người dân có nguồn thu nhập chính đáng từ rừng và ý thức hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ban QLR PH Đại Ninh đã góp phần khẳng định thêm rằng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là hướng đi đúng đắn để người dân gắn bó, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn và công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng bền vững hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin