Từ năm 2019 đến nay, Sở Y tế Lâm Đồng đã tích cực triển khai đến các đơn vị y tế trong ngành thực hiện Phong trào “Chống rác thải nhựa” theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (2020 -2022) phát sinh số lượng lớn rác thải y tế, trong đó có rác thải nhựa |
Trong 3 năm gần đây (2020 - 2022) dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng chất thải y tế lây nhiễm và chất thải thông thường tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019, kéo theo lượng rác thải nhựa cũng tăng. Nếu như năm 2019, có gần 63 tấn chất thải nhựa phát sinh trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh thì năm 2020 con số này đã tăng lên gần 160 tấn.
Sở Y tế đã tổ chức cho các đơn vị y tế trong toàn ngành ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế giữa Sở Y tế với giám đốc các đơn vị. Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế; hiện, các đơn vị đang góp ý cho bản dự thảo và Sở Y tế sẽ ban hành hướng dẫn sau khi có sự thống nhất của các đơn vị liên quan.
Các đơn vị y tế trong ngành đã triển khai thực hiện tốt các nội dung giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế theo chỉ đạo của Sở Y tế như: Rà soát, đánh giá thực trạng nguồn, số lượng phát sinh chất thải nhựa tại đơn vị; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa; tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng, chủ đơn vị cung cấp dịch vụ tại đơn vị; báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế.
Phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa” do Sở Y tế phối hợp với Công đoàn ngành phát động được các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng, bước đầu có kết quả đáng khích lệ, đã làm thay đổi hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế, có ý thức hơn trong việc sử dụng chất thải nhựa, đặc biệt là giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo Sở Y tế tỉnh, giai đoạn 2019 - 2022, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh hơn 489 tấn; trong đó, chất thải nhựa được chuyển giao tái chế hơn 162 tấn. Tại 22 cơ sở y tế thực hiện giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy trong hoạt động sinh hoạt thường ngày tại đơn vị; 14 cơ sở y tế thực hiện phân loại chất thải nhựa để thu gom tái chế, xử lý theo quy định; 19 cơ sở y tế áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế và 8 cơ sở y tế sử dụng 80% bao bì, túi nilon thân thiện với môi trường để chứa, đựng chất thải và trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày tại đơn vị.
Tuy nhiên, các sản phẩm nhựa được sử dụng trong ngành Y tế rất đa dạng, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt của người dân khi vào khám, chữa bệnh rất phổ biến. Do đó, rất khó khăn cho việc rà soát, đánh giá thực trạng nguồn, số lượng phát sinh chất thải nhựa tại đơn vị y tế trong ngành. Việc phân loại chất thải nhựa tái sử dụng còn khó thực hiện do ý thức và thói quen của người dân thường bỏ chung vào rác sinh hoạt. Bên cạnh đó, giá thành các túi, vật liệu thân thiện môi trường còn khá cao, khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Đặc biệt, hiện chưa có đơn vị có đủ giấy phép để thu gom, xử lý chất thải tái chế.
Trong thời gian tới, Sở Y tế tỉnh xác định mục tiêu giảm dần, tiến tới không sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sinh hoạt thường ngày tại các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế. Giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế thông qua việc đổi mới quy trình kỹ thuật, quy chế chuyên môn trong hoạt động y tế; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực trang thiết bị y tế; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các trang thiết bị y tế và thay thế bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 100% cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành Y tế nhận thức được tác hại của chất thải nhựa đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người, từ đó có hành động giảm sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần để chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. 100% các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế không sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sinh hoạt thường ngày tại cơ quan, đơn vị. 100% cơ sở y tế có áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy từ hoạt động chuyên môn y tế.
Sở Y tế tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp triển khai như: Tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hậu quả của chất thải nhựa và túi nilon đối với môi trường; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, vận động, nhắc nhở về thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon nhằm từng bước thay đổi hành vi, thói quen sử dụng các loại sản phẩm, vật dụng làm bằng nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt, hoạt động hàng ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế. Lồng ghép việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon trong toàn ngành, gắn với thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và xây dựng “Cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp”. Đẩy mạnh tập huấn, áp dụng các phương pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế; thường xuyên truyền thông, hướng dẫn về “chống rác thải nhựa và túi nilon” cho người bệnh và người nhà bệnh nhân thông qua các kênh truyền thông tại cơ sở y tế như: loa phát thanh, bảng thông tin cảnh báo, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu... và lồng ghép trong các buổi họp hội đồng người bệnh và người nhà người bệnh. Tăng cường chỉ định, sử dụng các loại thuốc bằng đường uống trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân; tăng cường sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc có thể tái sử dụng nhiều lần trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động chuyên môn khác tại các cơ sở y tế.
Không sử dụng nước uống đóng sẵn trong chai nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn... Không sử dụng túi, chai, ly, chén, đĩa, ống hút và các vật dụng khác được làm bằng nhựa dùng một lần hoặc túi nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống, sinh hoạt của nhân viên y tế và hạn chế tối đa việc sử dụng đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đưa nội dung “Chống rác thải nhựa và túi nilon” vào bảng điểm đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của cơ sở y tế, các khoa, phòng và từng công chức, viên chức, nhân viên y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon tại các cơ sở y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến; phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, các giải pháp, sáng kiến hay về giảm thiểu và hạn chế có hiệu quả chất thải nhựa, túi nilon.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin