Những năm qua, công tác đào tạo nghề và phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Dương luôn được các cấp, chính quyền quan tâm thực hiện. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng phục vụ sự phát triển của huyện.
Nhiều người dân địa phương sau khi đào tạo nghề đã được nhận vào làm việc tại Công ty Mai Khôi Farm (xã Lát) với mức thu nhập ổn định |
Theo UBND huyện Lạc Dương, trong giai đoạn 2020-2022, các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện đã thực hiện đào tạo nghề cho 1.796 lao động. Cụ thể, năm 2020, đào tạo nghề cho 800 lao động, đạt 100% kế hoạch; trong đó, nghề nông nghiệp 450 lao động, nghề phi nông nghiệp 350 lao động, gồm các nghề dệt thổ cẩm, điện dân dụng, nấu ăn, trồng và chăm sóc cây dược liệu, cà phê, chăn nuôi bò... Năm 2021, đào tạo nghề cho 597 lao động, đạt 74,6% kế hoạch; trong đó, nghề nông nghiệp 82 lao động, nghề phi nông nghiệp 515 lao động. Còn trong năm 2022, mở được 13 lớp dạy nghề, đào tạo cho 399 học viên; trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp 3 lớp, với 91 học viên; đào tạo nghề nông nghiệp 10 lớp, với 308 học viên tham gia.
Mặt khác, trong giai đoạn này, huyện Lạc Dương đã thực hiện giải quyết việc làm cho 2.356 lao động. Cụ thể, năm 2020, giải quyết việc làm mới cho 736 lao động, đạt 92% kế hoạch; trong đó, tự giải quyết việc làm là 542 lao động, làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, dịch vụ trong và ngoài tỉnh 194 lao động. Năm 2021, giải quyết việc làm mới cho 800 lao động, đạt 100% kế hoạch; trong đó, tự giải quyết việc làm tại hộ gia đình là 433 lao động, làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã là 188 lao động, lao động được vay vốn giải quyết việc làm là 179 lao động. Còn trong năm 2022, giải quyết việc làm mới cho 820 lao động, đạt 103% chỉ tiêu kế hoạch được giao; trong đó, tự giải quyết việc làm cho 420 lao động, giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài huyện cho 400 lao động.
Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn là nhiệm vụ luôn được các cấp, chính quyền huyện quan tâm thực hiện, nhất là việc tăng cường đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động. Qua đó, thực hiện hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động tiến tới đáp ứng trình độ lao động của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên địa bàn huyện.
Do đó, huyện Lạc Dương đặt mục tiêu hàng năm đào tạo nghề mới cho 800 người. Trong đó, huyện Lạc Dương quan tâm đào tạo nghề cho người lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 55% vào năm 2025, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt từ 85% trở lên. Để thực hiện có hiệu quả chương trình, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị chức năng không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, hàng năm tổ chức đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn huyện; định kỳ 5 năm, rà soát đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét cơ cấu lại ngành nghề, cơ cấu trình độ phù hợp điều kiện phát triển của xã hội. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Ưu tiên đặt hàng đào tạo đối với trường đạt tiêu chuẩn kiểm định, một số ngành nghề thị trường có nhu cầu cao, ngành nghề cần thiết cho sự phát triển nhưng khó tuyển sinh... mà ít cơ sở đào tạo hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập không đào tạo.
Mặt khác, việc đào tạo nghề cho lao động phải gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; chú trọng xây dựng mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thị trường lao động phù hợp với từng địa phương và từng nhóm đối tượng, trong đó, chú trọng đối tượng đặc thù, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ bị thất nghiệp. Định kỳ hằng năm, các đơn vị phải tổ chức ít nhất một lần đối thoại “3 nhà” gồm: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chính sách trong giáo dục nghề nghiệp và tăng sự gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị cung ứng nhân lực đáp ứng thị trường lao động của địa phương. Chủ động gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm... nhằm kết nối thị trường lao động, hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề, đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, khai thác hiệu quả dữ liệu thông tin thị trường lao động quốc gia kết hợp với điều tra định kỳ, đột xuất nhu cầu lao động, nhu cầu kỹ năng, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin