(LĐ online) - Đó là thông điệp từ Recycle Dalat (Đà Lạt tái chế) - một dự án của những người trẻ thực hiện tại TP Đà Lạt đã vinh dự chiến thắng cuộc thi YSEALI - Seeds for the Future với giải thưởng 15.000 USD cho những sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cô gái trẻ Phụng Nghi. Ảnh NVCC |
HỌC CÁCH PHÂN LOẠI RÁC THẢI NHỰA
Là dự án về môi trường, Recycle Dalat mong muốn đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác nhựa, nạn phá rừng và tạo một diễn đàn nơi mà các bạn trẻ tại Việt Nam, Singapore và Myanmar có thể đưa ra những ý tưởng xây dựng một cộng đồng có lối sống xanh tại địa phương mình.
Người đại diện cho Recycle Dalat là cô gái trẻ Trần Phụng Nghi, sinh năm 1999. Dù không học ngành liên quan đến môi trường nhưng thông qua một số hoạt động khi còn là sinh viên tại trường Đại học Đà Lạt, Phụng Nghi có cơ hội tiếp xúc nhiều với các tổ chức, cá nhân quan tâm đến những vấn đề còn tồn tại của môi trường.
Mục tiêu mà Recycle Dalat theo đuổi đó là khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là những người có tình yêu dành cho thành phố Đà Lạt. Phụng Nghi cho biết, hiện nay, cô và các thành viên của dự án đã phối hợp với một số trường học trên địa bàn TP Đà Lạt để tổ chức các lớp tập huấn về thu gom, phân loại rác thải nhựa, lưu trữ cũng như tái chế chúng. Hiện nay, Dự án đã phối hợp với các trường THCS Nguyễn Du, THCS&THPT Đống Đa và THPT Yersin để tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn cho các em học sinh kiến thức về rác thải nhựa.
Học sinh trường THPT Yersin hào hứng với việc phân loại 6 loại rác thải nhựa. Ảnh NVCC |
Sau hơn 1 tháng tuyên truyền, vận động, hàng trăm học sinh của trường THPT Yersin Đà Lạt đã hào hứng với thói quen để các loại chai nhựa thành từng túi riêng, không vứt chung với các loại rác thải khác tại trường, tại nhà. Cô Lê Thị Hồng Vân – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi được tập huấn, Đoàn trường phối hợp với các thành viên dự án Recycle Dalat dán bảng hướng dẫn phân loại chai nhựa tại từng lớp học. “Từ trước đến nay, nhà trường luôn chú trọng đẩy mạnh việc giáo dục cho các em học sinh thông qua các hoạt động vì cộng đồng. Bằng cách tạo thói quen trong thu gom và phân loại chai nhựa cùng các kiến thức về môi trường, các em sẽ nhận thấy việc thu gom rác thải cũng sẽ vất vả và sẽ dần ý thức khi sử dụng sử dụng và thải ra môi trường trong quá trình sinh hoạt, từ đó nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường”, cô Hồng Vân chia sẻ.
Phụng Nghi cho biết, Recycle Dalat là một dự án phi lợi nhuận được thành lập vào tháng 1 năm 2022. Mục tiêu là hướng đến bảo vệ môi trường với cam kết hình thành và duy trì một cộng đồng có lối sống xanh, yêu Đà Lạt theo 3 tiêu chí: Nhận thức, tái chế và trồng rừng. Dự án có sự tham gia của các bạn người Đà Lạt và các tình nguyện viên ở nhiều nơi khác.
Rác thải nhựa sau khi phân loại, thu gom sẽ được vận chuyển đến một đơn vị tái chế tại TP Hồ Chí Minh để làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. “Trong rác thải nhựa cũng phân thành các nhóm khác nhau, công dụng tái chế khác nhau, thích hợp để dùng ở các mức nhiệt khác nhau… Khi được trang bị đầy đủ kiến thức về môi trường và ý thức bảo vệ môi trường, chính các bạn học sinh sẽ có tư duy và hành động tích cực để cùng xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp”, Phụng Nghi bày tỏ hi vọng.
Chương trình thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh NVCC |
VÌ MỘT ĐÀ LẠT ĐÁNG SỐNG
Vừa qua, Recycle Dalat là 1 trong 2 dự án của Việt Nam đạt top 14 dự án vinh dự chiến thắng cuộc thi Young Southeast Asian Leaders Initiative (YSEALI) - Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á với giải thưởng 15.000 USD cho những sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Phụng Nghi, Recycle Dalat mong muốn đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác nhựa, nạn phá rừng và tạo một diễn đàn nơi mà các bạn trẻ tại Việt Nam, Singapore và Myanmar có thể đưa ra những ý tưởng xây dựng một cộng đồng có lối sống xanh tại địa phương mình.
Những thông điệp được nhắn gửi tới các bạn trẻ. Ảnh NVCC |
Thời gian qua, Recycle Dalat đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần mang đến môi trường sống tại Đà Lạt được xanh và sạch hơn, thông qua việc phân loại và tái chế rác, đồng thời là chuỗi bài viết xoay quanh 3 chủ đề nhận thức, tái chế và trồng rừng. Các tiêu chí này được liên kết với 3 phần tương ứng của dự án: phân loại và tái chế rác, thu hút và giáo dục giới trẻ thông qua các hội thảo, triển lãm và trò chơi, và trồng cây.
Bên cạnh đó, dự án tổ chức các buổi workshop tại các trường học, các nhóm phụ huynh để cung cấp thêm các thông tin hữu ích cho cộng đồng tạo thói quen thu gom, phân loại rác thải nhựa và gửi về cho Recycle Dalat.
“Ở Việt Nam có rất nhiều dự án cộng đồng về môi trường và có những giải pháp thiết thực để cải thiện thực trạng đã tồn tại nhiều năm. Em từng chứng kiến những người nước ngoài, những người ở tỉnh, thành khác lên Đà Lạt để nhặt rác, để trồng cây trong khi mình đang sống ở đây, mình cũng yêu Đà Lạt nhưng lại chưa làm được gì để khiến thành phố này trở nên tốt đẹp hơn. Chúng em có tuổi trẻ, có thời gian, và giờ có thêm động lực nữa thì hoàn toàn có thể cùng với mọi người làm cho một Đà Lạt trở nên đẹp hơn, đáng sống hơn”, Phụng Nghi nói.
Thành viên của dự án tập huấn kiến thức phân loại rác thải nhựa cho học sinh trường THCS&THPT Đống Đa. Ảnh NVCC |
Theo Phụng Nghi, hiện nay, cô cùng với nhóm của mình đang sử dụng nguồn quỹ 18.000 đô la cho việc vận hành dự án. Trong đó, mục tiêu là sử dụng hiệu quả và truyền thông để dự án tiến xa hơn nữa, thu hút được nhiều người tham gia. Cụ thể hơn, trong năm này, Recycle Dalat sẽ có 3 tấn chất thải nhựa được xử lý và hơn 4.000 cây xanh được trồng.
“Sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể thay đổi thói quen của mọi người nhưng em tin chỉ cần kiên trì và cố gắng đạt từng mục tiêu thì sẽ góp phần thay đổi thói quen, lan tỏa hơn trong cộng đồng. Quan trọng là bản thân mỗi người phải cảm nhận được ý nghĩa để từ đó thay đổi hành vi và suy nghĩ của chính mình thì mới có thể duy trì thường xuyên và mang hiệu quả lâu dài”, Phụng Nghi cho biết thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin