Gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm gần 20 năm nay, bà Vũ Thị Túy ở xã Đạ R’sal là người hiểu rõ cây dâu, con tằm đối với việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân ở địa phương. Vì vậy, năm 2022, bà đã đầu tư hơn 21 tỷ đồng để xây dựng nhà máy ươm tơ đầu tiên trên địa bàn huyện Đam Rông, hoạt động theo chuỗi liên kết sản xuất khép kín.
Sản phẩm tơ của Nhà máy Ươm tơ Duy Phương |
Dự án nhà máy ươm tơ tự động tại thôn Đắc Măng, xã Đạ R’sal được xây dựng trên diện tích 2.400 m2, với tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng do Công ty TNHH Một thành viên Dâu tằm tơ Duy Phương đầu tư và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 2/2023. Bà Vũ Thị Túy - Giám đốc Công ty cho biết, với diện tích này, công ty xây dựng 2 hệ thống máy guồng xe tơ tự động, lò hơi, máy nấu kén, sấy kén, máy làm nhộng; xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy trình kỹ thuật; hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhà xưởng sản xuất, kho hàng...
Đến nay, sau gần một tháng vận hành thử nghiệm và đi vào hoạt động chính thức với công suất tiêu thụ 1,4 tấn kén tằm trong một ngày, bình quân mỗi tháng, đơn vị sản xuất ra 3 tấn sợi để cung cấp nguồn nguyên liệu dệt lụa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và tìm hướng xuất khẩu tơ sang thị trường Trung Quốc. Ngoài sản phẩm tơ, đơn vị còn tận dụng các loại phế liệu ươm tơ như gốc rũ, nhộng để bán cho đại lý thu mua mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Với quy mô sản xuất như hiện tại, Công ty đã giải quyết việc làm cho 60 lao động, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương và các vùng phụ cận, với mức lương từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Bà Vũ Thị Túy cho biết: “Tôi nhận thấy, mở nhà máy ươm tơ này rất phù hợp để tạo thêm công ăn việc làm cho chị em phụ nữ ở Đam Rông và các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Đắk Nông. Trong thời gian đầu cũng khó khăn, chị em thì chưa biết nghề, tôi đã thuê chuyên viên kỹ thuật về đào tạo nghề cho chị em. Tôi cũng đang hỗ trợ cho chị em vừa học việc hưởng mức lương 6 triệu đồng/tháng”.
Công suất ước tính của nhà máy bình quân đạt 36 tấn tơ/năm, tương ứng với nguồn nguyên liệu kén tằm đầu vào khoảng gần 300 tấn. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất ổn định, ngoài việc thu mua kén tằm của các nông hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Đam Rông, các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, Công ty Duy Phương còn ký kết với 150 hộ dân nuôi tằm ở xã Đạ M’rông và Đạ R’sal xây dựng chuỗi liên kết từ việc cung cấp giống, vật tư, phân bón, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm kén tằm cho bà con nông dân với giá cả ổn định. Ngoài ra, Công ty tiếp tục ký kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện và các đại lý thu mua để cung ứng sản phẩm kén tằm cho Công ty. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm vừa tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Ông Đỗ Hoàng Nhân - Chủ tịch UBND xã Đạ R’sal, cho biết: “Đây là một nhà máy áp dụng công nghệ hiện đại vào trong quy trình sản xuất cũng như bao tiêu sản phẩm cho người dân; góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương”.
Nhà máy ươm tơ của Công ty Duy Phương đi vào hoạt động đã và đang mở ra một hướng đi mới cho nghề trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện Đam Rông, qua đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân và người lao động. Từ hiệu quả của mô hình này, huyện Đam Rông tiếp tục thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, chế biến, sản xuất các mặt hàng nông - lâm sản vốn đang là tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin