Vấn đề đặt ra trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

AN NHIÊN 03:41, 10/05/2023

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2022 đã thanh tra, kiểm tra 11.422 cơ sở, phát hiện 1.390 cơ sở vi phạm, xử phạt 253 cơ sở gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm ATTP thuộc lĩnh vực y tế là 727 triệu đồng, lĩnh vực nông nghiệp gần 600 triệu đồng và lĩnh vực công thương gần 144 triệu đồng.

Mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không để tử vong do ngộ độc trên địa bàn tỉnh
Mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không để tử vong do ngộ độc trên địa bàn tỉnh

TĂNG CƯỜNG THANH TRA, KIỂM TRA ATTP

Qua thống kê cho thấy, trong năm 2022, ngành Y tế kiểm tra 10.759 cơ sở, qua đó phát hiện 1.273 cơ sở vi phạm. Các nội dung vi phạm chủ yếu trong quá trình kiểm tra: điều kiện về con người; điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị dụng cụ; chất lượng sản phẩm; ghi nhãn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP, sổ ghi chép... Tổng số mẫu xét nghiệm 165 mẫu; trong đó 142/142 mẫu test nhanh đạt, còn 5/23 mẫu xét nghiệm tại labo không đạt chỉ tiêu vi sinh. Ngoài ra, qua hoạt động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xử lý 1 vụ ngộ độc thực phẩm với số tiền phạt là 90 triệu đồng và chuyển 2 trường hợp sang cơ quan điều tra.

 Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra 282 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giống cây trồng. Qua đó, phát hiện 61 cơ sở vi phạm; nội dung vi phạm chủ yếu trong quá trình kiểm tra về chất lượng sản phẩm... Tổng số mẫu xét nghiệm 101 mẫu (gồm 23 mẫu nông sản và 78 mẫu phân bón, thuốc BVTV); kết quả phân tích 21/101 mẫu không đạt. Ngành Công thương kiểm tra 381 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp. Qua các đợt kiểm tra phát hiện 61 cơ sở vi phạm; hầu hết các cơ sở, đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ vi phạm về không thực hiện khám sức khỏe cho đối tượng thuộc diện phải khám, không thực hiện xác nhận kiến thức ATTP; một số cơ sở mua, bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

 Ngoài 3 ngành chịu trách nhiệm chính về thanh tra, kiểm tra ATTP còn có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị bao gồm: Ngành Công an (Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh) đã phát hiện 139 vụ vi phạm các quy định về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính 139 vụ với tổng số tiền là hơn 920 triệu đồng và tiêu hủy 9.626 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thay đổi tem nhãn trên sản phẩm nhằm kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm. Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện 138 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng với hành vi như: khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đầy đủ giá kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh thực phẩm. Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra 20 trường hợp về việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền về quảng cáo thực phẩm, không phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra.

PHÒNG, CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM VÀ CÁC BỆNH TRUYỀN QUA THỰC PHẨM

Năm 2022, ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 235 người mắc, 4 người tử vong. Khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành điều tra, xử lý kịp thời nhằm hạn chế số ca bị mắc ngộ độc thực phẩm và tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng. Các ngành đã triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo nguy cơ về ATTP, đưa sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng đánh giá chung: Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã có sự vào cuộc nghiêm túc trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được duy trì, thường xuyên liên tục đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân đảm bảo ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Qua kiểm tra, thanh tra có 10.032 cơ sở đạt các điều kiện đảm bảo ATTP (chiếm 88%). Hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm được thực hiện, kiểm soát được các sản phẩm trên thị trường; ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được thay đổi.

Nhìn chung công tác quản lý bảo đảm chất lượng ATTP có tiến bộ; một số nông sản, thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê, chăn nuôi bò sữa cơ bản đáp ứng yêu cầu ATTP. Điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cải thiện hơn. Ô nhiễm hóa chất, vi sinh vật trong một số sản phẩm tươi sống như rau, thịt, thủy sản có chiều hướng giảm; số cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi giảm nhanh chóng.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN KHẮC PHỤC 

Một số địa phương, nhất là ở cấp xã vẫn chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã đã được kiện toàn, tuy nhiên một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Trong năm 2022, vẫn còn xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, 4 người tử vong do rượu. 

Còn nhiều cơ sở thực phẩm trên địa bàn chưa được quản lý (chưa được tập huấn kiến thức, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các điều kiện đảm bảo ATTP). Công tác kiểm tra chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm. Công tác xử phạt vi phạm hành chính chưa nghiêm, chủ yếu là nhắc nhở (đặc biệt là tại tuyến huyện, xã, phường, thị trấn). Sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể trong giám sát, tuyên truyền, vận động và phát hiện, tố giác các vi phạm ATTP còn hạn chế. 

Việc giám sát mối nguy và phòng, chống ngộ độc thực phẩm đa số thực hiện tại cơ quan cấp tỉnh nên chưa kiểm soát hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm lưu thông trên thị trường. Ngộ độc thực phẩm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất phát từ nguồn dịch vụ nấu ăn lưu động - đây là những đối tượng rất khó kiểm soát, quản lý.

Các sản phẩm thực phẩm mặc dù được công bố hoặc tự công bố sản phẩm theo đúng quy định nhưng nguy cơ sản phẩm giả, sản phẩm không đảm bảo chất lượng luôn tiềm ẩn do không có quy định về xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, định tính sản phẩm thực phẩm, các nguồn lực để quản lý còn hạn chế.

Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn lưu thông, bày bán trên thị trường. Việc sử dụng hóa chất, phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép trong chế biến, bảo quản thực phẩm ngày càng tinh vi, khó kiểm tra, phát hiện. Việc quản lý ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, đặc thù của địa phương như mứt, nước cốt, bún phở, rượu, giò chả... gặp nhiều khó khăn.

Tại tỉnh đã có một số phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 17025, tuy nhiên chưa có đủ điều kiện phân tích tất cả các chỉ tiêu phục vụ cho công tác ATTP, các mẫu chủ yếu phải gửi về phòng xét nghiệm lớn khác nên tốn nhiều thời gian, kinh phí và gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp đã được kiện toàn và duy trì hoạt động, tạo điều kiện quản lý Nhà nước về ATTP được đồng bộ, thống nhất và triển khai có hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý ATTP nhằm đảm bảo hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không để tử vong do ngộ độc trên địa bàn tỉnh.