10 năm thực hiện Chương trình 06 - Dấu ấn đặc biệt của Nam Tây Nguyên (bài 1)

NGUYỆT THU 00:32, 13/06/2023
Những năm qua, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những biến đổi nhanh, phức tạp; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá với nhiều thủ đoạn công khai, manh động. Nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của Mặt trận và các tổ chức thành viên, của Nhân dân từ khắp các khu dân cư trong tỉnh nên công tác phối hợp thực hiện Chương trình số 06 giữa Công an và Mặt trận 10 năm qua đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo dấu ấn đặc biệt cho vùng đất Nam Tây Nguyên, để Nam Tây Nguyên ngày càng an toàn, phát triển vững mạnh.

 

Bài 1: Khi quần chúng Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

 

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự nói chung và công tác xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng đã được phát động rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Phong trào đã đi đúng hướng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm qua.

Các điển hình tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng vì làm tốt công tác phối hợp thực hiện Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới
Các điển hình tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng vì làm tốt công tác phối hợp thực hiện Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới

Thực tế cho thấy, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: các thế lực thù địch, đối tượng phản động, đối tượng cực đoan trong dân tộc, tôn giáo tiếp tục lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ, đăng tải các nội dung xuyên tạc để chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo các cấp; xuyên tạc về những nỗ lực, kết quả đạt được trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, bị bắt và xử lý hình sự vẫn còn diễn ra. Tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, đơn thư tố cáo xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị. Các vấn đề tranh chấp khiếu kiện về đất đai; vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; tình hình tội phạm trộm cắp tài sản, hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy; các tệ nạn xã hội khác vẫn tiếp tục diễn biến khó lường đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương nói chung; trong đó làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) nói riêng. 

Trước tình hình đó, ngay sau khi Bộ Công an và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký kết, ban hành Chương trình phối hợp số 09 ngày 1/8/2013 về “Đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chủ động phối hợp sớm với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ký kết và ban hành Chương trình phối hợp số 06 về “Đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận, các tổ chức thành viên từ tỉnh đến huyện, thành phố và đến xã, phường, thị trấn, khu dân cư nên công tác phối hợp này đã thực hiện tương đối tốt.

Đơn cử như tại huyện Đạ Tẻh, nhờ công tác tuyên truyền, triển khai sớm nên các cấp trong huyện đều nhận thức và hành động đúng. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng và nhân rộng, đi vào hoạt động hiệu quả nhằm làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc như Mô hình “Dòng họ Võ không có người vi phạm pháp luật” ở xã Quảng Trị đã có tác động rất tốt. Mô hình “Tổ công tác thăm gặp, cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi sớm tái hòa nhập cộng đồng” được Công an tỉnh ghi nhận và đánh giá là mô hình hoạt động rất hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an. Qua công tác tuyên truyền, quần chúng Nhân dân ở các khu dân cư, các thôn, buôn trong huyện đã cung cấp cho lực lượng công an 2.963 tin báo, trong đó 2.411 nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan công an làm rõ 267/292 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 91,43%. Giúp lực lượng chức năng triệt phá 8 nhóm phạm tội trộm cắp tài sản, 27 tụ điểm cờ bạc trái phép, vận động 41 đối tượng truy nã ra đầu thú…; góp phần giữ vững bình yên cuộc sống cho Nhân dân.

Tại huyện Bảo Lâm có Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” hoạt động từ tháng 4 năm 2020 đến nay rất hiệu quả, được Công an tỉnh ghi nhận và triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh. 

Tại TP Bảo Lộc - địa bàn trọng điểm về các tệ nạn xã hội tiềm ẩn, từ việc phát động của MTTQ thành phố đã duy trì và phát huy tốt mô hình cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Các thành viên trong Tổ cảm hóa đã phối hợp với các chiến sĩ công an thực hiện giúp đỡ 1.080 người không may phạm tội và lầm lỗi, trong đó có 493 người tiến bộ, từ bỏ phạm tội và có việc làm ổn định tại địa phương, tái hòa nhập cộng đồng tốt. 

Trao đổi về nội dung này, ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Điểm nổi bật trong công tác phối hợp giữa Công an với Mặt trận và các tổ chức thành viên đó là qua công tác tuyên truyền pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, đoàn viên, hội viên đã giúp người dân nâng cao nhận thức và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, khơi gợi, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với việc các tổ chức, các lực lượng nòng cốt trong Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tiếp tục được xây dựng, củng cố cả về số lượng và chất lượng... đã tạo môi trường lành mạnh, an toàn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu Chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…

Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được Bộ Công an, Công an tỉnh đánh giá cao như: Mô hình Tổ liên hộ tự quản về ANTT trên địa bàn huyện Cát Tiên; Mô hình như “Tổ thăm gặp, vận động, cảm hóa, giúp đỡ đối tượng lầm lỗi sớm tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, “Camera an ninh tự quản” trên địa bàn huyện Đạ Huoai, “Họ đạo bình yên - Gia đình hòa thuận” trên địa bàn phường B’Lao - TP Bảo Lộc, “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” trên địa bàn xã B’Lá - huyện Bảo Lâm... Cùng đó, nhiều diễn đàn: “Lắng nghe ý kiến nhân dân”, “Nhân dân tố giác tội phạm”; “Mặt trận lắng nghe dân nói”; “Nói cho dân nghe và nghe dân nói”; “Ngày nghe dân nói”, “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”… đã trở thành những diễn đàn để Nhân dân thể hiện vai trò làm chủ, tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc.

Kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện phối hợp Chương trình 06, đến nay, đã có 111/111 xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.     

(CÒN NỮA)