10 năm thực hiện Chương trình 06 - Dấu ấn đặc biệt của Nam Tây Nguyên (bài 2)

NGUYỆT THU 06:22, 14/06/2023

Bài 2: Kinh nghiệm quý đảm bảo trật tự an toàn xã hội

Với đặc thù của vùng đất Nam Tây Nguyên, địa bàn rộng, tỷ lệ hộ dân là đồng bào DTTS chiếm khá đông, khoảng 26%, vùng đất luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Giải pháp tăng cường phối hợp giữa công an với Mặt trận, các tổ chức thành viên, chủ lực là các tầng lớp Nhân dân luôn có giá trị. Đặc biệt, kinh nghiệm cần chú trọng phát huy vai trò của già làng, người tiêu biểu, người uy tín trong vùng đồng bào DTTS để tạo hiệu ứng tích cực, tạo sức lan tỏa trong thay đổi nhận thức người dân, giúp người dân “không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu” mà chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn là bài học còn nguyên giá trị, trong mọi thời điểm, nhất là trong tình hình mới hiện nay. 

Mô hình Tiếng kẻng an ninh được người dân tích cực tham gia góp phần bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, buôn
Mô hình "Tiếng kẻng an ninh" được người dân tích cực tham gia góp phần bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, buôn

Nhìn lại thực tế của Đam Rông những năm gần đây đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị. Bên cạnh nhiều yếu tố tích cực, nhiều thành quả kinh tế - xã hội rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên thì tình hình di dân tự do; tình trạng về “làng cũ” của bà con DTTS còn diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến gần 773 hộ tương ứng với gần 4.700 nhân khẩu (chủ yếu là người dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc nước ta) đến cư trú trên địa bàn huyện Đam Rông. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, bố trí, sắp xếp cho bà con định canh, định cư tự do nhưng hiện vẫn còn khoảng 300 hộ đang sinh sống rải rác trên đất lâm nghiệp tại các Tiểu khu 178, 179, 181, khu vực Tây Sơn…; hệ lụy khó tránh khỏi của tình trạng di cư tự do đó là còn xảy ra tình trạng phá rừng, làm rẫy, lấn chiếm đất rừng trái phép, đời sống người dân bấp bênh… Mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa người Mông và người DTTS tại chỗ và người Kinh còn xảy ra, tiềm ẩn yếu tố mất an ninh, trật tự. Các vụ việc trở về “làng cũ” xâm chiếm đất rừng trái phép tại Tiểu khu 252, 287, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, chủ yếu bà con ở thôn Păng Dung, Păng Páh - xã Đạ K’nàng và bà con ở Thôn 4, xã Đạ Long xâm lấn đất rừng trái phép ở Tiểu khu 26, 27 Vườn Quốc gia Bi doup - Núi Bà… đến nay đã cơ bản được giải quyết ổn định, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh, trật tự…

Đại tá Nguyễn Quang Thống - Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị, thời gian tới, hai bên cần rút kinh nghiệm và chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, tìm chọn xây dựng mới những mô hình cho phù hợp, tránh hình thức; tăng cường công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người được đặc xá, tù tha, người mắc tệ nạn xã hội để họ sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Lực lượng công an các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân; là cơ quan tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, nhất là nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào này phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương trong giai đoạn mới.

Các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được tỉnh ghi nhận, biểu dương tiếp tục nâng cao trách nhiệm của mình, phát huy những việc làm tốt, để góp phần cùng với địa phương, cơ sở, khu dân cư giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho gia đình, quê hương. MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, phối hợp chặt chẽ với công an các cấp làm tốt công tác tham mưu, tổ chức vận động, tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, động viên các tầng lớp Nhân dân, các chức sắc tín đồ tôn giáo, đồng bào DTTS nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, tham gia Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu và các tầng lớp Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội; phát huy đoàn kết tình làng, nghĩa xóm, giúp nhau trong cuộc sống, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn. 

Trao đổi kỹ hơn và sâu sắc về nội dung này tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 06 tại Đà Lạt, Đại tá Nguyễn Thế Chi - Phó Cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an phát biểu ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện chương trình phối hợp về đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 - 2023. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Đồng chí mong muốn thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh và các cấp trong tỉnh, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục nhân rộng các mô hình mới, điển hình hay, sáng kiến giỏi để ngày càng thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp nhằm bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng với đặc thù tỉnh Lâm Đồng là địa bàn miền núi, đa dân tộc, đa tôn giáo, đại diện Bộ Công an lưu ý trong giai đoạn tới, các bên cần lưu ý phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, đặc biệt là vai trò uy tín của các già làng, trưởng bản, người uy tín, người tiêu biểu trong vùng DTTS, trong thôn, buôn, khu dân cư. Đề cao vai trò của người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, các mô hình tại cơ sở chú trọng đi vào chiều sâu, hoạt động chất lượng, hiệu quả, thiết thực; kiện toàn ban chỉ đạo tại cơ sở trong thực hiện chương trình phối hợp; tập trung lực lượng, biện pháp, nội dung để phát động tại địa bàn chủ lực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, hình thức. Hướng đến xây dựng khu dân cư an toàn, văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.