Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội”. Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 28 và Kế hoạch số 65 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quyết tâm thực hiện hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết.
BHXH Lâm Đồng hỗ trợ cài đặt ứng dụng “VssID-BHXH số” cho người dân tại TP Đà Lạt |
Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN cho các huyện, thành phố; đồng thời, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã, phường, thị trấn. Các sở, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý người tham gia và thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Năm 2021, số người trong tỉnh tham gia BHXH là 112.511 người, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 14,3% (bao gồm cả lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh); trong đó, tham gia BHXH tự nguyện là 2,09%. Năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 15,27% và ước thực hiện năm 2023 đạt 16%; trong đó, tham gia BHXH tự nguyện là 2,31%.
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2021 đạt 9,54%; năm 2022 đạt 10,61%; ước thực hiện năm 2023 đạt 11,08%.
Năm 2021, số người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 26.494 người đạt tỷ lệ 16,22% (không tính số người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội) và năm 2022 đạt tỷ lệ 15,51%.
Trong những năm qua, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN từng bước được chú trọng thực hiện, đặc biệt được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của UBND tỉnh, sự tham gia phối hợp giữa cơ quan BHXH và các cơ quan có liên quan, địa phương trong việc chia sẻ các nguồn dữ liệu để thực hiện khai thác phát triển người tham gia BHXH, BHTN. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 đến nay. Nếu như năm 2018 chỉ có 2.116 người tham gia BHXH tự nguyện, đến cuối năm 2022 số người tham gia BHXH tự nguyện là 16.024 người, tăng 657,3% so với năm đầu triển khai Nghị quyết số 28.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương luôn được chú trọng. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể: hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Từ năm 2018 đến năm 2022, tổng số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 7,7 tỷ đồng cho 16.852 người.
Từ năm 2018 đến tháng 4/2023, BHXH toàn tỉnh đã giải quyết cho 349.527 người và lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN. Riêng năm 2022 là 78.650 người và lượt người, tăng 37,32% so với năm 2018. Tình trạng người lao động nhận BHXH một lần nhìn chung có chiều hướng gia tăng, năm 2022 cao hơn năm 2018 là 21,6%, BHXH tỉnh đã áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần.
Để đạt được kết quả đó, thời gian qua, BHXH tỉnh thường xuyên đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) qua giao dịch điện tử; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các giao dịch TTHC trên ứng dụng “VssID-BHXH số” và trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử năm 2021 là 63,8%, năm 2022 là 68,04%. Từ cuối năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của ngành; tích hợp và cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia. BHXH tỉnh đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh thường xuyên rà soát, đề nghị BHXH Việt Nam sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC không còn phù hợp, không còn đáp ứng yêu cầu quản lý. Đồng thời, đa dạng các hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC (qua Bộ phận Một cửa; qua dịch vụ bưu chính công ích; qua giao dịch điện tử); đưa vào vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ thụ lý giải quyết, trả kết quả. Hiện nay, gần 100% các đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và gần 97,8% trong giải quyết hưởng chính sách, chế độ BHXH.
BHXH tỉnh đẩy mạnh vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06). Từ ngày 1/7/2022, ngành BHXH tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện quy trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của BHXH toàn tỉnh. Đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn và lộ trình thực hiện của BHXH Việt Nam; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, kịp thời rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu tập trung người tham gia BHXH, BHYT.
Từ tháng 5/2023, BHXH tỉnh triển khai phát Phiếu đánh giá về tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại Bộ phận Một cửa để kịp thời nắm bắt, tiếp thu giải quyết những vấn đề bất cập, không phù hợp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức đối với cơ quan BHXH.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH tại địa phương. Công tác tuyên truyền được thường xuyên chú trọng theo hướng có trọng tâm, linh hoạt phù hợp với từng nhóm đối tượng; nội dung Nghị quyết số 28 và các quy định của pháp luật BHXH, BHYT đã được quán triệt, triển khai kịp thời sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị; các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, người lao động đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết đã được quan tâm thực hiện kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến huyện. Vai trò quản lý Nhà nước về BHXH được nâng cao và hiệu quả hơn; hệ thống tổ chức làm công tác BHXH được củng cố, kiện toàn thường xuyên, hoạt động hiệu quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi Quỹ BHXH, BHTN; cải cách hành chính trong BHXH, BHTN, đặc biệt là cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin chuyển biến rõ nét và hiệu quả. Số người tham gia BHXH tăng nhanh, đặc biệt là số người tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2019 đến nay; quyền lợi của người tham gia BHXH, BHTN được đảm bảo tốt hơn, góp phần đảm bảo tốt an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin