Năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) lần đầu tiên công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây được xem là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ cùng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững mà trong đó Lâm Đồng xếp thứ hạng 36/63 tỉnh, thành.
Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm vấn đề phát triển kinh tế xanh, bền vững |
Với kết quả xếp thứ hạng 36/63 tỉnh, thành phố về chỉ số xanh, tỉnh Lâm Đồng cũng đã “bắt nhịp” trong nỗ lực của chính quyền khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững theo hướng đầu tư xanh và đổi mới có chất lượng cao, chú trọng các vấn đề môi trường bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương về môi trường kinh doanh xanh dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh với các tiêu chí: Mức độ thích ứng với biến đổi khí hậu; mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác. Tương tự PCI, PGI có tính kết nối rõ ràng với các chính sách của địa phương và trên cơ sở này thúc đẩy sự cải thiện chính sách và thực thi chính sách phát triển xanh ở cấp tỉnh.
PGI đo lường các tiêu chí nêu trên thông qua 4 chỉ số thành phần đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố, gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (đánh giá việc cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của chính quyền cấp tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong chuẩn bị, ứng phó, giảm thiểu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (đo lường mức độ hiệu quả của việc giám sát và thực thi quy định môi trường do chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường gây ra bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp); thúc đẩy thực hành xanh (đo lường mức độ lồng ghép các mục tiêu môi trường vào trách nhiệm quản lý nhà nước, các thực hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “xanh hóa”); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (đánh giá các chính sách và dịch vụ hỗ trợ được chính quyền tỉnh áp dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp có các hành vi và quyết định tạo ra tác động môi trường tích cực).
Năm 2022, PGI của Lâm Đồng đạt 14,47/40 điểm, xếp thứ 36 cả nước và đứng hạng 2 ở khu vực Tây Nguyên (Kon Tum xếp thứ 25, Đắk Lắk xếp thứ 44, Đắk Nông xếp thứ 48, Gia Lai xếp thứ 52).
Theo ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, vấn đề phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những định hướng chiến lược của tỉnh. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh những giải pháp cụ thể để khắc phục thứ hạng chỉ số này cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường cũng như định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, tăng cường tuyên truyền kêu gọi sự tham gia của cộng đồng; đẩy mạnh kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật về môi trường, đẩy mạnh thu hút, xã hội hóa công tác xử lý rác thải nước thải cho đô thị, khu công nghiệp…
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, vì vậy tỉnh ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, công nghệ cao. Tỉnh cũng kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án chưa hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường, việc kêu gọi thu hút đầu tư cần phải xanh hơn, công nghệ cao hơn để mang lại giá trị gia tăng tốt hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin