Đam Rông: Đề xuất bố trí kinh phí chống sạt lở bờ sông K’rông Nô

HỒNG THẮM 11:17, 15/06/2023

(LĐ online) - Giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh về tình hình sạt lở bờ sông K’rông Nô (qua địa phận huyện Đam Rông), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo đến người dân để chủ động phòng tránh, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sạt lở để có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Sạt lở đã hình thành bãi bồi giữa sông. Diện tích đó trước đây là đất sản xuất của bà con
Sạt lở đã hình thành bãi bồi giữa sông. Diện tích đó trước đây là đất sản xuất của bà con

THIỆT HẠI NHIỀU DIỆN TÍCH SẢN XUẤT

Theo báo cáo của UBND xã Đạ M’rông, đoạn sông K’rông Nô chảy qua địa phận xã dài khoảng 10 km, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tưới tiêu vào các mùa khô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở nghiêm trọng bắt đầu xảy ra trên địa bàn.

Cụ thể đến nay, tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất ở thôn Liêng Krắc 1 đến đoạn thôn Tu La với chiều dài khoảng 1.000 m. Vị trí sạt lở từ bờ sông lên đến 10 – 15 m, ảnh hưởng đến nhiều diện tích đất ở của khoảng 25 hộ dân và khoảng 30 ha diện tích sản xuất của bà con chủ yếu là các loại hoa màu, lúa nước, cà phê.

 Đoạn thứ 2 là gần Bến đò Đa Tế, dài khoảng 1.000 m, tình trạng sạt lở từ 5 đến 10 m dọc bờ sông làm mất 25 ha đất sản xuất của bà con nhân dân với cây trồng chủ yếu là dâu tằm và cà phê. Ngoài ra, còn có 2 vị trí ít sạt lở hơn tại thôn Đa La và thôn Tu La, mỗi đoạn dài 500 m, ảnh hưởng đến khoảng 60 ha đất sản xuất của người dân.

Nhiều vị trí hiện vẫn đang sạt lở
Nhiều vị trí hiện vẫn đang sạt lở

“Nhà mình cũng mất hơn 1 sào, tính ra cũng gần 1/3 diện tích khu vực đất này. Bây giờ trồng cây gì cũng sợ sau này sẽ sạt lở thêm. Nói đâu xa, ngay đoạn phía trên cũng đang tiếp tục sạt xuống lòng sông kìa”, ông Kon Yông Ha Nghiêm (thôn Liêng Krắc 1, xã Đạ M’rông) nói và chỉ về phía cách vườn nhà mình khoảng 50m.

Ông Võ Văn Bền – Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông cho biết, khu vực sạt lở gây ảnh hưởng đến công trình mương nước thủy lợi và đường giao thông bê tông phục vụ hoạt động sản xuất của bà con Nhân dân. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con xã nhà, đặc biệt là vào mưa lũ.

Người dân cũng đã nhiều lần ý kiến đề nghị chính quyền các cấp khắc phục. UBND xã đã ghi nhận và đề xuất với cấp trên trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện, tỉnh, nhưng tình trạng trên trong nhiều năm vẫn chưa được khắc phục.

Để đảm bảo cuộc sống của bà con Nhân dân, UBND xã Đạ M’Rông đã có báo cáo và đề xuất được xây kè dọc sông K’rông Nô với chiều dài khoảng 3 km, để giữ trên 100 ha diện tích sản xuất và đất ở để ổn định đời sống của bà con 6/6 thôn trên địa bàn xã.

Trước đó, đoạn hạ lưu sông qua thôn Đa Tế, xã Đạ M’rông đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí 13,9 tỷ đồng để đầu tư kè rọ đá với chiều dài 184 m, hoàn thành năm 2021 và UBND huyện đã chủ động lồng ghép các nguồn lực để đầu tư 2 đoạn kè chống sạt lở đường giao thông liên xã Đạ M’rông - Đạ Rsal với chiều dài 218 m, kinh phí 7,49 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, huyện còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể bố trí kinh phí để tiếp tục đầu tư, gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông K’rông Nô.

Người dân lo sợ tình trạng sạt lở còn tiếp diễn, nhất là trong mùa mưa tới đây
Người dân lo sợ tình trạng sạt lở còn tiếp diễn, nhất là trong mùa mưa tới đây

KIẾN NGHỊ XÂY BỜ KÈ CHỐNG SẠT LỞ

Tiếp nhận và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh về tình hình sạt lở bờ sông K’rông Nô, UBND huyện Đam Rông đã có văn bản vào tháng 3/2023 đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất HĐND tỉnh bố trí 250 tỷ đồng để gia cố đoạn sông K’rông Nô; trong đó, có 3 đoạn qua xã Đạ M’rông và 1 đoạn qua xã Đạ Tông, tổng chiều dài khoảng 1.000 m.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua kiểm tra xác định hiện nay, bờ sông K’rông Nô đoạn qua các thôn Liêng K’rắc I, thôn Tu La, xã Đạ M’rông; thôn Đạ Nhinh I, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông (phía thượng lưu của đoạn đã được gia cố) là khu vực đa số các hộ đồng bào dân tộc gốc địa phương sinh sống và canh tác.

Các khu vực bị sạt lở ở 4 vị trí có tổng chiều dài khoảng 1.000 m, có diễn biến sạt lở sâu, nhất là mùa mưa lũ, làm ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân, hiện khu vực này trồng nhiều dâu tằm.

Nguyên nhân được xác định là những năm qua do biến đổi khí hậu, cường độ mưa lớn tập trung làm cho nước sông dâng cao đột ngột, chảy xiết, mặt khác phía bên kia dòng sông là đồi núi nên làm dòng chảy đoạn này hướng về địa phận tỉnh Lâm Đồng. Từ đó gây sạt lở vào đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đầu tư xây dựng kè bờ sông K’rông Nô tại các vị trí về phía thượng lưu sông qua các thôn Liêng K’rắc I, thôn Tu La xã Đạ M’Rông đến vị trí cầu Đa Ra Hố, xã Đạ Tông để tránh sạt lở vào đất sản xuất nông nghiệp là phù hợp với nhu cầu thực tế nhằm làm giảm ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất, đời sống của một số hộ dân.

Qua đối chiếu, việc đầu tư dự án cơ bản phù hợp với định hướng quy hoạch, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước những nguy cơ tiếp tục sạt lở trong mùa mưa tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Đam Rông tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo để người dân biết và chủ động phòng tránh; đồng thời, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, chính quyền cấp cơ sở thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sạt lở để có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn tình mạng và tài sản của người dân.

Hiện nay, chính quyền địa phương các xã cũng đã tích cực tiếp tục tuyên truyền người dân chủ động quan sát mực nước thường xuyên để kịp thời báo cáo chính quyền địa phương. Đồng thời, khuyến cáo bà con hạn chế trồng cây, chăn thả vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.