Lấy người lao động làm trung tâm

DIỆP QUỲNH 05:43, 15/06/2023

Đức Trọng là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội. Xác định rõ, người lao động là vốn quý, tổ chức Công đoàn luôn sát cánh, đồng hành cùng người lao động trong đời sống, việc làm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.

Trao hỗ trợ cho người lao động Đức Trọng giảm giờ làm, giảm thu nhập
Trao hỗ trợ cho người lao động Đức Trọng giảm giờ làm, giảm thu nhập

DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CÙNG VƯỢT KHÓ

Thông tin từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đức Trọng, số đoàn viên công đoàn toàn huyện là 5.370 đoàn viên trên tổng số 5.715 lao động, đạt tỉ lệ 91%, với 155 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 52 CĐCS doanh nghiệp. Là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, lực lượng công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp khá đông đảo và phong trào công đoàn hoạt động có truyền thống. 

Tuy nhiên, từ giữa nhiệm kỳ, đại dịch COVID-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân, viên chức, lao động. Sau đại dịch, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp không ổn định; thu nhập của người lao động khối doanh nghiệp một số đơn vị còn thấp. Nhiều lao động giản đơn trong các doanh nghiệp làm việc theo thời vụ, chưa quan tâm gắn bó với doanh nghiệp và chế độ chính sách BHXH. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp thiếu khoảng 700 lao động, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị cũng như công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Nhiệm kỳ 2023-2028, LĐLĐ huyện Đức Trọng tích cực thực hiện phương châm “Tập trung cho cơ sở”, xác định cơ sở là địa bàn hoạt động chủ yếu và quyền lợi của đoàn viên, người lao động là mục tiêu phấn đấu. Lấy lợi ích đoàn viên làm mục đích vận động, tập hợp, phát triển tổ chức Công đoàn, làm cho người lao động gắn bó và tự nguyện gia nhập, tham gia hoạt động công đoàn. Phấn đấu toàn huyện kết nạp mới 5.700 đoàn viên, 85% doanh nghiệp có từ 15 lao động trở lên có tổ chức Công đoàn, phấn đấu có ít nhất 75% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia.

Vượt qua khó khăn, các CĐCS, nhất là CĐCS khối doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động. Hàng năm, 100% doanh nghiệp đã áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định, mức lương thực tế của người lao động hưởng đều cao hơn mức quy định của Nhà nước. Chương trình phúc lợi đoàn viên được LĐLĐ huyện hướng dẫn CĐCS và thông qua kiểm tra, làm việc với chủ doanh nghiệp kiến nghị người sử dụng lao động xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng nhằm đảm bảo quyền lợi cao hơn cho người lao động. 

NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ TRUNG TÂM

Xác định rõ tinh thần người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, của toàn xã hội, các cấp Công đoàn đã và đang phát huy tinh thần hướng về cơ sở, lấy người lao động là hạt nhân để thực hiện các hoạt động hỗ trợ.

Đức Trọng là địa phương tích cực triển khai thực hiện đổi mới mô hình tổ chức các cấp Công đoàn theo phương châm “Vì lợi ích đoàn viên”, “Tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên”, “Công đoàn cấp trên phục vụ Công đoàn cấp dưới”, lấy đoàn viên và người lao động làm trung tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên. 

LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các CĐCS đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động với phương châm vì lợi ích đoàn viên; phấn đấu “Mỗi cơ sở có thêm một lợi ích đoàn viên”. Tập huấn, hướng dẫn cán bộ CĐCS khối doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện Thỏa ước Lao động tập thể trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thỏa ước lao động tập thể và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. 

Từ LĐLĐ huyện đến các CĐCS tích cực, chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Chú trọng tham gia giải quyết ngay từ đầu các vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu các vụ tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể. Phối hợp với các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn. LĐLĐ đã tham gia giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở 3 công ty; giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các CĐCS phối hợp thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; hội nghị người lao động. Qua đó phát huy dân chủ người lao động và kiến nghị với người sử dụng lao động giải quyết khó khăn, bức xúc của người lao động.

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, đã phát triển được 1.630 đoàn viên mới, thành lập mới 27 CĐCS khối doanh nghiệp. Phối hợp với cơ quan BHXH huyện làm việc với hơn 100 doanh nghiệp về công tác thực thi chế độ chính sách cho người lao động về BHXH, BHYT, BHTN, trích nộp kinh phí công đoàn và thành lập tổ chức Công đoàn.