Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật

VIỆT HÙNG 23:30, 04/06/2023

Xác định tư vấn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng của đời sống xã hội, giữ vai trò tích cực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho người dân, thời gian qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật hiệu quả, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh nhằm nâng cao ý thức của các em trong việc chấp hành pháp luật
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh nhằm nâng cao ý thức của các em trong việc chấp hành pháp luật

Thạc sĩ Nguyễn Thành Trì - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng cho hay, trung tâm hiện có 3 tư vấn viên pháp luật và 29 cộng tác viên pháp luật. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý ngày càng được mở rộng thông qua nhiều hình thức như: tư vấn pháp luật trực tiếp, tư vấn pháp luật bằng văn bản và trợ giúp pháp lý có liên quan đến tất cả các lĩnh vực pháp luật, cơ bản đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp luật tại địa phương.

Thời gian qua, trung tâm đã tư vấn miễn phí cho người dân trực tiếp đến đề nghị tư vấn. Những đối tượng được tư vấn gồm người có công với cách mạng, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác. Các lĩnh vực tư vấn pháp luật trực tiếp gồm: đất đai, thừa kế, khiếu nại, tố cáo, lĩnh vực dân sự khác… Bên cạnh đó, trung tâm còn tư vấn qua điện thoại cho các trường hợp người dân và các tổ chức trên các lĩnh vực: hôn nhân và gia đình, về hộ tịch, đất đai, thi hành án dân sự… Đồng thời, phối hợp với Hội Luật gia TP Đà Lạt tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật và tư vấn pháp luật cho hội viên Hội Luật gia và người dân ở các phường, xã trên địa bàn thành phố. Các nội dung tư vấn pháp luật chủ yếu là Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình cùng các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan thiết thực đến đời sống của người dân. Ngoài ra, Trung tâm Tư vấn pháp luật còn phối hợp với Văn phòng Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng cùng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ban Giám thị trại giam Đại Bình tổ chức phổ biến pháp luật và tư vấn pháp luật cho phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tại trại giam Đại Bình về lĩnh vực thủ tục xóa án tích, về Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân…

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Trì, việc triển khai hoạt động tư vấn pháp luật của Trung tâm Tư vấn pháp luật vẫn còn một số khó khăn. Đặc biệt, nhân lực tại trung tâm còn hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động tư vấn pháp luật cho các tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoạt động tư vấn pháp luật. Việc hạn chế về số lượng tư vấn viên pháp luật do nhiều nguyên nhân, trong đó, những người có bằng cử nhân luật không công tác trong cơ quan nhà nước thì tham gia học các khóa đào tạo luật sư, công chứng hoặc thừa phát lại để tham gia hành nghề trong các tổ chức này; những người là cán bộ, công chức, viên chức có bằng cử nhân luật đã nghỉ hưu lại ngại tham gia làm tư vấn viên pháp luật vì cho rằng chưa được đào tạo nghề tư vấn viên, trong khi pháp luật quy định nếu tư vấn sai gây thiệt hại cho người dân, tổ chức thì phải bồi thường; đối với các điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên khi được nghỉ theo chế độ nếu đủ điều kiện thường tham gia vào hành nghề luật sư, thừa phát lại hoặc làm ở các tổ chức hành nghề công chứng chứ không tham gia làm tư vấn viên pháp luật trong các Trung tâm Tư vấn pháp luật…

Bên cạnh đó, một số quy định tại Nghị định 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp còn nhiều bất cập nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả đối với công tác tổ chức và hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật nói chung và Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng nói riêng như: quy định tư vấn pháp luật có thù lao; quy định Trung tâm Tư vấn pháp luật phải bồi thường thiệt hại do lỗi của tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên của trung tâm gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật; việc không cho tư vấn viên được tham gia tố tụng đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tư vấn pháp luật…

Trước những bất cập này, Thạc sĩ Nguyễn Thành Trì cho rằng, Bộ Tư pháp cần tham mưu cho Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 77/2008/NĐ-CP phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở một số nội dung cụ thể như: quy định về tư vấn pháp luật có thu thù lao; quy định về phạm vi hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm trong công tác tư vấn pháp luật.