Từng là giáo viên trung học cơ sở, khi về hưu, ông Đa Cát Tư tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương, phát huy rất tốt vai trò người uy tín tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông.
Ông Đa Cát Tư |
Đã về hưu trong nhiều năm nay nhưng ông Đa Cát Tư vẫn như một giáo viên đứng lớp dạy học ngày nào với dáng đi khoan thai, giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn, rất dễ thuyết phục người đối diện.
Là người M’Nông, sinh năm 1951 tại Đạ Tông, năm nay đã 72 tuổi, ông Đa Cát Tư có thời gian rất lâu công tác trong ngành Giáo dục, từng là thầy giáo dạy trung học cơ sở. Khi về hưu theo sự giới thiệu, ông bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng tại xã.
Ông từng nhiều năm tham gia công tác Mặt trận, là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông, Chủ tịch Mặt trận xã Đạ Tông. Ông cũng từng phụ trách Đài truyền thanh của xã, là đại biểu HĐND xã và hiện nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đạ Tông. Dù ở vị trí nào, ông cũng đều làm tốt công việc được giao và hiện là một già làng có uy tín của xã Đạ Tông.
Trong cương vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, ông tích cực tham gia công tác Hội, tích cực vận động hội viên người cao tuổi cũng như người dân trong xã chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động hội viên và bà con tham gia xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xây dựng nông thôn mới; vận động cho con em đi học, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Cũng cần nói rằng, Hội Người cao tuổi với các già làng trong các thôn buôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người dân tộc thiểu số, được người dân tin tưởng. Theo ông Đa Cát Tư, trong thời gian qua, Hội phối hợp tốt với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là công an xã để xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy truyền thống già làng và người có uy tín trong cộng đồng, vận động bà con dân làng bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
“Khi vận động, mình cứ nói theo sự hiểu biết của mình. Đạ Tông là xã đông người, bà con còn nhiều khó khăn. Mình là người địa phương, biết cuộc sống nơi đây, mình chỉ nói những điều gần gũi với bà con, những điều người dân quan tâm, cùng thăm hỏi, chia sẻ với bà con rồi vận động bà con cùng tham gia các việc chung của buôn làng”, ông chia sẻ.
Với cộng đồng người dân tộc thiểu số, điều quan trọng là lời nói phải đi đôi với việc làm. Ý thức điều này nên bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, tích cực làm ăn, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện tốt “Tuổi cao gương sáng” để mọi người cùng noi theo.
Gia đình ông đến nay cũng là một trong những hộ dân đi đầu tại Đạ Tông trong trồng dâu, nuôi tằm, tạo ra nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nghề trồng dâu, nuôi tằm đang là một cách làm mới, có hiệu quả, đi đúng hướng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
Là đại biểu HĐND, ông Đa Cát Tư tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính quyền ở cơ sở, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con, nhất là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương để đời sống người dân vùng sâu, vùng xa như Đạ Tông ngày càng đi lên. Đặc biệt, với vai trò là già làng, người có uy tín trong cộng đồng, ông tích cực tham gia hòa giải ở cơ sở, cùng với chính quyền làm rất tốt việc hòa giải, giải quyết được nhiều vụ khiếu kiện, bất hòa trong buôn làng. “Nhiều lắm, có những vụ bất hòa, mâu thuẫn nhau trong nhà, ly hôn, tranh giành tài sản, trường hợp nào khó trong xã thì lại nhờ tôi. Mình đến tận nhà nghe bà con nói chuyện, cứ dựa vào luật của Nhà nước, luật của tôn giáo cũng như phong tục tập quán của dân tộc mình để thuyết phục bà con. Nhiều người ban đầu không chịu nghe, nhưng dần thấy có lý nên bà con hầu hết đều chấp nhận hòa giải”, ông kể lại.
Ông còn là người đi đầu, đóng góp nhiều công sức trong vận động bà con trong xã Đạ Tông hiến đất làm nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông nông thôn ở các thôn Đa Nhinh I, Đa Nhinh II, khu Ciêng Tơr, đập thủy lợi Dơng Tiêng, cứ chỗ nào khó thì xã nhờ ông đến vận động. “Đa số bà con đều đồng ý nhưng cũng có gia đình lo mất đất, không có đất làm nhà, làm ăn sinh sống, mình phải thuyết phục bà con về lợi ích của con đường khi làm xong đi lại thuận tiện hơn, hàng hóa dễ vận chuyển, con cháu đi học cũng dễ dàng hơn, khi hiểu thì mọi người đều đồng ý”, ông tươi cười.
Ông còn là một trong những người đứng ra thành lập các câu lạc bộ văn nghệ với các hội viên người cao tuổi sinh hoạt tại xã Đạ Tông nhằm duy trì và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số địa phương. Đạ Tông đến nay đã có 7/9 thôn có các đội văn nghệ như vậy, duy trì sinh hoạt với trên 70 hội viên tham gia, trong đó có các đội dưỡng sinh, đội cồng chiêng, đội văn nghệ, múa hát dân gian.
Với ông, niềm vui lớn nhất là thấy lớp con cháu trong xã được đi học, được đến trường, thấy trường học trong xã nay khang trang hơn nhiều, thấy ngày càng có thêm những con đường bê tông rộng rãi, thấy đời sống người dân địa phương ngày càng đỡ hơn trước. “Tôi thấy Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến đời sống bà con người dân tộc vùng sâu, vùng xa như Đạ Tông nên bà con cũng rất tin tưởng. Vẫn còn những nhà khó khăn nhưng đời sống bà con nay đỡ nhiều hơn trước, Đạ Tông nay đã dần bắt kịp nhiều vùng trong huyện rồi”, ông cho biết.
Với những đóng góp tích cực của mình, ông Đa Cát Tư đã được giới thiệu là điển hình tiên tiến tiêu biểu của huyện Đam Rông và ông là 1 trong 5 đại biểu điển hình tiên tiến của Lâm Đồng được tỉnh giới thiệu tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân dịp 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023) tại Hà Nội trong thời gian sắp đến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin