Thời gian qua, công tác hòa giải ở huyện Cát Tiên được các cấp quan tâm thực hiện và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, qua đó, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương.
Thông qua các tổ hòa giải, người dân trên địa bàn huyện Cát Tiên đã đồng thuận hiến đất để xây dựng các công trình |
Qua gần 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan, việc triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Cát Tiên đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác hòa giải đã không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Từ thực tiễn, công tác hòa giải ở huyện Cát Tiên đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Cát Tiên cho biết, nhận thức tầm quan trọng của công tác hòa giải, đặc biệt khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, tất cả các cấp, cơ quan, đơn vị từ huyện đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cát Tiên đã củng cố, kiện toàn hoạt động các tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên. Hiện nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đều được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và toàn huyện hiện có 59 tổ hòa giải ở 59 thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Riêng trong năm 2022, đã hòa giải thành 103/111 vụ việc phát sinh ở cơ sở, đạt tỷ lệ hòa giải thành công gần 93%.
Thực tế đã cho thấy, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải những vụ việc mâu thuẫn ở khu dân cư. Chính vì vậy, các cấp, ngành chức năng của huyện Cát Tiên luôn không ngừng củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên và tổ chức bồi dưỡng những kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và kiến thức pháp luật mới nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải trên địa bàn huyện trong tình hình mới hiện nay. Qua đó, góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động Nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Bên cạnh đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện Cát Tiên đã phối hợp và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú; duy trì hoạt động của nhiều mô hình, cách làm hay, các câu lạc bộ; nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, để nâng cao chất lượng công tác hòa giải, trong những năm qua, huyện Cát Tiên luôn quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở. Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên là đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam và công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, thị trấn; các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện.
Tại các lớp bồi dưỡng, các hòa giải viên được truyền đạt một số kiến thức chung về hòa giải ở cơ sở và kỹ năng hòa giải ở cơ sở; một số khó khăn, vướng mắc thường gặp trong quá trình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hòa giải các tình huống tranh chấp, mâu thuẫn cũng như khó khăn, vướng mắc thường gặp trong quá trình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại các địa phương. Qua lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, hạn chế các khiếu kiện, khiếu nại, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Mặt khác, UBND huyện Cát Tiên cũng đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng như công an, quân đội tăng cường công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí trong xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định; đồng thời, gắn với công tác chuyển đổi số để từ đó người dân dễ dàng truy cập, cập nhật các quy định của pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin