Tháng Bảy tri ân, ông Nguyễn Đức Phúc, sinh năm 1942 - cựu Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 200c, Tiểu đoàn 840 (Quân khu VI) - trở lại chiến trường xưa ở Đạ Huoai, mang theo những câu chuyện của một thời lửa khói.
Cựu binh Nguyễn Đức Phúc kể lại những ngày chiến đấu tại chiến trường Đạ Huoai |
Cựu binh Nguyễn Đức Phúc tâm sự: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khác là còn được trở về với đời thường, sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng nhiều đồng đội của tôi thì đã phải nằm lại ở những chiến địa xưa”. Nói đến đồng đội, ánh mắt ông hằn lên nỗi đau. Thẳm sâu trong đôi mắt ấy, là niềm ray rứt, sự khắc khoải của người từng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường, người hiểu rất rõ hai từ “đồng đội” nó thiêng liêng ra sao. Thành thử, cứ mỗi khi có đủ điều kiện (sức khỏe, kinh tế, xe cộ...) cựu binh Nguyễn Đức Phúc lại vượt gần 200 km, từ Đà Lạt về Đạ Huoai, nơi ông từng chiến đấu, thắp những nén nhang thơm, bái vọng hương linh các đồng đội, tri ân những người đã hi sinh cả xương máu để mang lại nền độc lập, hòa bình cho dân tộc. “Năm 1972, tình hình chiến sự ngày càng diễn biến phức tạp, tôi được cấp trên điều động tăng cường về Đoàn 211 thuộc Đoàn 429 của R - mật hiệu của Trung ương Cục miền Nam - trở thành Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 17, đưa quân phối hợp với Khu VI làm nhiệm vụ cắt đứt giao thông Quốc lộ 20, phá trụ điện, giật sập cầu La Ngà (Đồng Nai) và cầu Đạ Quay (Lâm Đồng), đánh Chi khu Đạ Huoai (Lâm Đồng), đánh Đồn 42 (Đồng Nai), giải tán các ấp chiến lược từ cầu La Ngà đến chân đèo Bảo Lộc”, cựu binh Nguyễn Đức Phúc kể.
Khoảng thời gian đóng quân tại Đạ Huoai, những ngày chiến sự tạm lắng, ông Phúc và các đồng đội đã tận dụng các sản vật từ rừng gồm: rau, nấm, củ mài, củ chuối, cá suối, chim, măng le để làm thực phẩm. Trong tự nhiên, măng rừng có rất nhiều loại. Nếu xét về mùi vị thì có măng đắng, măng ngọt. Nếu xét về loại giống lại có măng tre, bương, mai, trúc, giang, nứa, hóp, lồ ô. Nếu xét về cách chế biến thì có măng tươi, măng khô, măng chua. Nếu xét trên cùng một thân cây măng lại có măng vòi (mọc ra từ đốt cây), măng củ (mọc từ gốc cây dưới mặt đất)... Mỗi loại măng có mùa thu hái riêng. Nhưng có 3 loại măng chỉ những người lính từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Hàm Tân (Bình Tuy), Tánh Linh, Phan Thiết, Ma Lâm (Bình Thuận), Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tuyên Đức như cựu binh Nguyễn Đức Phúc mới biết. 3 loại măng đó là măng đào, măng đạp và măng rung. “Măng đào là gì? Nó là loại măng còn nằm sâu dưới lòng đất. Muốn phát hiện loại măng này, cứ theo dấu con lợn rừng để tìm. Thấy lợn moi đất ở đâu thì nhắm chỗ đấy mà đào lấy măng. Măng đó gọi là măng đào!”, ông giải thích.
Măng đào thường thu hái vào tháng 4 - tháng 5 hàng năm, trước khi chân trời phía đằng xa nổi âm âm những tiếng sấm, báo hiệu mùa mưa sắp sửa trút xuống các cánh rừng Tây Nguyên. “Măng đạp thì thế nào? Đó là loại măng đã nhú lên khỏi mặt đất. Măng đạp thường hái trong mùa mưa, tầm tháng 6, tháng 7. Măng này có khá nhiều lông gây ngứa nên phải dùng bàn chân đạp cho gãy rồi mới mang về đơn vị để chế biến món ăn. Gọi là măng đạp vì măng được lấy bằng cách... đạp”, cựu binh Nguyễn Đức Phúc nói thêm. Tương tự, măng rung là loại măng đã mọc lên khá cao. Muốn lấy chỗ măng non về làm thực phẩm thì buộc phải rung. Thời điểm thu hái măng rung là tháng 8 và tháng 9 hàng năm.
Theo ông, 3 loại măng vừa kể ở trên, không chỉ là kinh nghiệm mùa nào thức nấy trong hoàn cảnh chiến tranh, còn cho thấy sự ứng biến linh hoạt của những người lính. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, người lính cũng đều có những sáng kiến để thích nghi. 3 loại măng (măng đào, măng đạp và măng rung) chỉ là một trong rất nhiều những ứng biến của người lính để vượt lên hoàn cảnh khó khăn, chiến đấu và đánh thắng kẻ xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc. Măng đào, măng đạp, măng rung trở thành ký ức của một thời lửa khói, một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin