KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2023):
Ký ức hào hùng của một thời lửa khói

KHÁNH PHÚC 04:45, 26/07/2023

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, những người lính năm xưa tại Tiểu đoàn Pháo binh 130 (Trung đoàn Anh hùng 812 thuộc Quân khu 6) giờ đã chớm già và mỗi người một quê. Nhưng ở họ luôn thắm tình đồng chí, đồng đội của những tháng ngày lửa khói chiến tranh để con cháu mãi tự hào về lớp lớp cha ông đã đánh đổi máu xương vì độc lập tự do của dân tộc!

Ông Hà Quang Tuệ và ông Nguyễn Xuân Huy cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng của người lính pháo binh tại Tiểu đoàn Pháo binh 130 năm xưa
Ông Hà Quang Tuệ và ông Nguyễn Xuân Huy cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng của người lính pháo binh tại Tiểu đoàn Pháo binh 130 năm xưa

NHỮNG TRẬN ĐÁNH ĐỂ ĐỜI

Trung đoàn 812 được thành lập vào năm 1949, khi sáp nhập 2 Trung đoàn 81 và 82 tại Liên khu 5. Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 812 là đại bộ đội chủ lực chiến đấu tại Khu 6 gồm các tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy. Xuyên suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với bộ đội các địa phương, Trung đoàn 812 đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng, làm nên những chiến công hiển hách.

Để rồi đến những ngày tháng 4 lịch sử hay những ngày tháng 7 tri ân, những kỷ niệm thời quân ngũ của người lính Cụ Hồ lại ùa về vẹn nguyên như mới hôm qua trong mỗi người lính pháo binh năm xưa. Trong những ngày tháng 7 tri ân hôm nay, chúng tôi may mắn được gặp những người lính của Tiểu đoàn Pháo binh 130 (Trung đoàn 812) ngày ấy và được các bác, các chú kể về những thời khắc lịch sử với những trận đánh để đập tan hoàn toàn âm mưu của địch.

Là người lính pháo binh thuộc Tiểu đoàn Pháo binh 130, ông Hà Quang Tuệ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TP Bảo Lộc kể với chúng tôi về một thời gian khổ, nhưng luôn kiên trung, bất khuất của những người lính Cụ Hồ.

Theo đó, năm 1972, khi ấy, chàng trai trẻ Hà Quang Tuệ mới tròn 18 tuổi lên đường nhập ngũ từ tỉnh Hưng Yên cùng đồng đội tiến quân vào Nam và được biên chế về Trung đoàn 812 tại Khu 6. Ông Tuệ nhớ lại, từ cuối năm 1974 đến đầu tháng 4/1975, chiến trường Khu 6 hết sức ác liệt dưới làn đạn, pháo đen đặc mù trời. Với cách đánh “bóc vỏ” theo phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” của bộ đội ta, giữa ta và địch giằng co quyết liệt từng mét công sự ở các tỉnh thuộc Khu 6. Trong những thời khắc ác liệt, Tiểu đoàn Pháo binh 130, với 2 đại đội pháo phòng không và pháo mặt đất luôn nhận nhiệm vụ kích pháo vào các cứ điểm của địch để mở đường. Trong khi đó, các Tiểu đoàn Bộ binh 186 và 840 cùng Tiểu đoàn Đặc công 200C kết hợp bộ đội địa phương xung phong tiêu diệt địch.

Còn ông Lê Đình Hòa (69 tuổi, ngụ tại TP Đà Lạt), một trong những người lính pháo binh Tiểu đoàn Pháo binh 130 nhớ lại trận đánh mà ông cùng những người đồng đội luôn ghi lòng tạc dạ. “Sau khi huyện Tánh Linh (Bình Thuận) được giải phóng, chúng tôi chuẩn bị để đón Tết Nguyên đán Giáp Dần 1974 trong khí thế hân hoan. Thế nhưng đến rạng sáng 29 Tết, chúng tôi nhận được tin quân ngụy sẽ dùng trực thăng đổ bộ để chiếm lại Tánh Linh vừa được quân ta giải phóng làm chủ. Đến khoảng 10 giờ trưa, 10 máy bay của địch bay thấp áp sát công sự của quân ta. Trước tình thế đó, tôi đang trực tại bệ pháo liền hướng về máy bay địch rồi bắn. Nhiều loạt kích pháo, tôi đã bắn rơi 2 máy bay địch. Sau đó, cả Đại đội Phòng không liên tục nổ pháo bắn rơi thêm 3 máy bay của địch, bẻ gãy hoàn toàn cuộc đổ bộ bằng máy bay của quân địch xuống Tánh Linh”.

Những người cựu binh thổn thức rằng, từ năm 1972 đến khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, tại Tiểu đoàn Pháo binh 130 có hơn 10 đồng chí, đồng đội đã hy sinh anh dũng. Tất cả họ đều là những người lính đang ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, vừa mới mười chín, đôi mươi.

Cuộc hội ngộ sau 48 năm của những người lính pháo binh Tiểu đoàn 130 chiến đấu trên vùng đất Khu 6
Cuộc hội ngộ sau 48 năm của những người lính pháo binh Tiểu đoàn 130 chiến đấu trên vùng đất Khu 6

LUÔN NHỚ VỀ ĐỒNG ĐỘI

Có một trong những trận đánh để đời mà các cựu binh thuộc Tiểu đoàn Pháo binh 130 đang sinh sống tại Lâm Đồng như các ông Hà Quang Tuệ, Nguyễn Xuân Huy, Đỗ Quang Trung, Đỗ Văn Nhường, Nguyễn Tất Ứng, Trịnh Phương Tâm, Lê Đình Hòa... luôn nhớ mãi khi tiến quân theo đường 20 lên giải phóng Di Linh, Bảo Lộc và Đà Lạt.

“Tôi còn nhớ như in, vào ngày 23/3/1975, chúng tôi - những người lính thuộc Trung đoàn 812 nhận lệnh tiến quân theo đường 20 lên giải phóng Di Linh, Bảo Lộc và Đà Lạt. Trong trận đánh giải phóng huyện Di Linh vào ngày 27/3/1975, Tiểu đoàn Pháo binh 130 chúng tôi nhận nhiệm vụ kích pháo vào các cứ điểm của địch ở Di Linh để mở đường cho các tiểu đoàn bộ binh tiến công. Trong trận đánh ác liệt khi giải phóng Di Linh, người chỉ huy của chúng tôi là Đại đội phó Nguyễn Văn Chiến (quê Thái Bình) đã trúng đạn bị thương rồi hy sinh sau đó. Sau khi giải phóng được Di Linh, chúng tôi được người dân dùng thuyền chở qua cầu Đại Ninh (Đức Trọng) đã bị quân địch đánh sập khi tháo chạy. Sau đó, chúng tôi thẳng lên tiếp quản Đà Lạt không còn 1 bóng quân địch” - ông Hà Quang Tuệ nhớ lại trận đánh giải phóng huyện Di Linh.

Cùng trò chuyện, khi những miền ký ức của một thời khói lửa chiến tranh đang ùa về, 2 người đồng đội pháo binh là ông Hà Quang Tuệ và Nguyễn Xuân Huy bỗng dừng lại rồi lau vội nước mắt nhớ về đồng đội.

“Chiến tranh đã lùi xã gần nửa thế kỷ, nhưng đến nay, trong các đồng đội đã hy sinh thì phần mộ của anh Nguyễn Văn Chiến (quê Thái Bình) là người Đại đội phó Đại đội Pháo phòng không của chúng tôi vẫn chưa được tìm thấy. Anh Chiến hy sinh trong cuộc tấn công giải phóng Di Linh vào ngày 27/3/1975. Chúng tôi, những người đồng đội và gia đình anh đã cố gắng tìm kiếm suốt bao năm qua nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt của anh. Cứ nghĩ về anh, người Đại đội phó kiên trung, anh dũng là tất cả chúng tôi không dấu được nỗi nhớ thương!” - ông Hà Quang Tuệ nhớ về người Đại đội phó đã hy sinh.

“Sau chiến tranh, chúng tôi, người ở lại Tây Nguyên, người thì quay ra Bắc, nên những cuộc hội ngộ chưa bao giờ đầy đủ. Dịp này trở lại Tánh Linh, tâm nguyện của chúng tôi là được thắp những nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, trong đó có những người đồng đội của chúng tôi. Đồng thời, mong muốn gặp lại những đồng chí, đồng đội đã kề vai, sát cánh để cùng ôn lại truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắt trúng” của Trung đoàn Anh hùng 812 nói chung và Tiểu đoàn Pháo binh 130 nói riêng” - ông Lê Đình Hòa, ngụ tại TP Đà Lạt bộc bạch.