Thành lập công đoàn cơ sở, thu hút, kết nạp mới đoàn viên là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Với Liên đoàn Lao động TP Đà Lạt, việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, trở thành mái nhà ấm áp, thu hút đoàn viên công đoàn tham gia hoạt động, thành lập thêm nhiều công đoàn cơ sở không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui mang nhiều ý nghĩa. Và, kết quả cho thấy, mái nhà ấm đang mỗi ngày được mở rộng.
Người lao động Công ty Việt FARM |
• CÔNG NHÂN Ở ĐÂU - CÔNG ĐOÀN Ở ĐÓ
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Lạt trực tiếp quản lý chỉ đạo 216 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với tổng số đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) hiện có là 12.625 ĐVCĐ/13.574 CNVCLĐ. So với đầu nhiệm kỳ, LĐLĐ TP Đà Lạt đã phát triển mới 3.679 ĐVCĐ, thành lập 32 CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các chỉ số đều vượt cao so với kế hoạch được giao, là điểm sáng của Công đoàn Lâm Đồng. Những con số ấy là niềm tự hào của những người cán bộ làm công tác công đoàn của thành phố.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Lạt chia sẻ, Đà Lạt không có khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp lớn. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn là những đơn vị rất nhỏ, sử dụng ít lao động, công việc không ổn định lâu dài, doanh nghiệp gia đình. Vì vậy, việc thành lập CĐCS gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS để thực hiện các chỉ tiêu được giao; tổ chức phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ công đoàn để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm đối với công tác phát triển đoàn viên trong tình hình mới.
LĐLĐ xác định chú trọng phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Liên đoàn chủ động mời các đơn vị liên quan phối hợp hỗ trợ trong công tác rà soát, nắm số lượng doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn thành phố như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Chi cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm. Với tinh thần “Ở đâu có công nhân - ở đó có công đoàn”, LĐLĐ TP Đà Lạt tìm hiểu rất cụ thể các doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập CĐCS để tới tận nơi vận động, thuyết phục doanh nghiệp tham gia. Việc nắm thông tin từ các cơ quan quản lý, sự hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan này đã giúp LĐLĐ TP Đà Lạt thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
• HIỆU QUẢ VÀ THỰC CHẤT
Chị Đinh Thị Thùy Dương - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Lạt, người trực tiếp được phân công phụ trách công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, chia sẻ, từ sự hỗ trợ của các phòng, ban liên quan, LĐLĐ đã phân công cán bộ tới các doanh nghiệp với phương châm “Đi từng ngõ, rõ từng doanh nghiệp”; tiếp cận người lao động, tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam và vận động thành lập CĐCS. Ban đầu, không ít chủ doanh nghiệp còn ngần ngại khi thành lập tổ chức Công đoàn. Nhưng với sự vận động, thuyết phục hợp tình, hợp lý, nhiệt huyết của cán bộ công đoàn, hầu hết chủ doanh nghiệp đều hiểu và nhiệt tình phối hợp.
Như Công ty TNHH Việt FARM, doanh nghiệp chuyên sản xuất rau đã thành lập 16 năm nhưng chưa có tổ chức Công đoàn. Năm 2022, Việt FARM đã thành lập CĐCS với 37 đoàn viên. Ông Nguyễn Đông Hải - Giám đốc công ty đồng thời cũng là đoàn viên công đoàn chia sẻ, với xuất phát điểm là doanh nghiệp gia đình, Việt FARM cũng ít chú trọng tới các hoạt động đoàn thể. Tuy nhiên, LĐLĐ TP Đà Lạt đã tới tận nơi vận động, thuyết phục và ông Hải cũng nhận thấy, tổ chức Công đoàn có hiệu quả trong việc xây dựng quan hệ hài hòa tại doanh nghiệp. Ông Hải chia sẻ: “Trong nội bộ doanh nghiệp, chúng tôi có nhiều nỗ lực để đối xử tốt với người lao động, anh chị em công nhân. Nhưng thực sự khi doanh nghiệp càng phát triển, càng mở rộng, lượng người làm việc càng ngày càng đông, doanh nghiệp xác định phải thay đổi, phải chuẩn hóa, quy mô hơn. Và đến lúc này, doanh nghiệp cần thành lập tổ chức Công đoàn để có thể định hướng phát triển một cách bền vững”.
Không chỉ thành lập được CĐCS, kết nạp đoàn viên, quan trọng hơn chính là hướng người lao động, đoàn viên công đoàn, CĐCS hoạt động thực chất và hiệu quả, mang lại quyền lợi thực sự cho người lao động, chị Đinh Thị Thùy Dương xác định. Ngay từ lễ kết nạp, một lễ kết nạp được tổ chức phù hợp với tình hình và điều kiện của doanh nghiệp nhưng trang trọng, ý nghĩa, tạo dấu ấn sâu sắc về tổ chức Công đoàn với người lao động. Sau đó, LĐLĐ cần kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các CĐCS mới được thành lập, đảm bảo tuân thủ pháp luật, đúng Điều lệ Công đoàn Việt Nam và phát huy hiệu quả, nhất là trong vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; đồng thời, phối hợp với người sử dụng lao động triển khai thực hiện các quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Chỉ khi tổ chức Công đoàn làm việc hiệu quả, góp phần giúp người lao động nâng cao mức sống, giúp doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc hài hòa, tổ chức Công đoàn mới thực sự trở thành mái nhà chung ấm áp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin